Thưa cha, có
lúc con nghe cha này nói lễ 2-11 là lễ Các Đẳng Linh Hồn, Lễ Các Đẳng, rồi lễ
cầu cho các tín hữu đã qua đời. Như vậy có sự khác nhau không khi nói như trên.
Chúng ta thường đọc: “chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho Các Đẳng Linh Hồn
được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng.
Amen”, vậy cho con hỏi Các Đẳng đây là ai?
Cha
Hùynh Trụ, người Việt Gốc Hoa, quản xứ giáo xứ Giuse An Bình, tổng giáo phận
Sài Gòn trả lời:
Bạn
thân mến,
Thuật từ tiếng Latin Lễ này tiếng Latin
là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, tiếng Anh gọi là “Commemoration
of all the Faithful Departed”, có khi cũng gọi là All Souls’ Day (Lễ các linh
hồn) hay Defuncts’ Day (Lễ các người đã qua đời). Uỷ Ban Phụng Tự dịch là “Lễ
cầu cho các tín hữu đã qua đời” là đúng, nhưng bình dân vẫn gọi là “Lễ Các
Đẳng”. Vậy chúng ta tìm hiểu từ vựng ý nghĩa Các Đẳng.
-
Chữ “Các”: chữ
Hán, ở đây là chữ各, nghĩa là (đại từ). (1) Mỗi một: Các bất tương đồng (không ai giống ai). (tt).
(2) Khác: Các biệt. (3) Tất cả, hết thảy: Các vị (quý vị).
-
Chữ Đẳng: có hai
chữ Hán, ở đây là chữ等, nghĩa là (dt.) (1) Thứ bậc: Thượng đẳng (bực trên nhất); Trung đẳng (bực giữa);
Hạ đẳng (bực dưới nhất, hạng bét). (2) Phức số: Ngã đẳng (Nhóm chúng tôi). (3)
Bậc thang: Thổ giai tam đẳng (Cầu thang đất có ba bậc). (đt.) (4) Ðợi chờ: Đẳng
đãi (Chờ đợi). (5) Bằng nhau, đều: Đại tiểu bất đẳng (Lớn nhỏ không đều). (6)
Cân lường. (tt.) (7) Hạng: Nhĩ thị hà đẳng nhân (Anh là hạng người nào). (pht.)
(8) Vân vân: Đẳng đẳng.
-
Nghĩa của từ “các
đẳng": Các đẳng là tất cả thứ bậc. Thuật từ “Các đẳng linh hồn” để chỉ tất
cả các linh hồn người quá cố trong luyện ngục (thuộc thành phần Hội thánh đau
khổ), phân biệt với “Các thánh nam nữ” là các phúc nhân trên thiên đàng (Hội
Thánh vinh quang).
Vì vậy, khi nói “các đẳng linh hồn”, chúng ta nghĩ tới tất cả các linh hồn của mọi hạng
người trên đời này đã quá cố và đang còn phải thanh luyện trong luyện ngục. Họ
có thể là ông bà, tổ tiên, thân nhân, bạn hữu của chúng ta hay là những người
xa lạ. Khi còn ở đời này, có thể họ là người giàu sang quyền quý hay nghèo
khó mọn hèn. Họ có thể là những Kitô hữu hữu danh hoặc “Kitô hữu vô danh”. Tất
cả họ đều là chi thể của Chúa Kitô, giờ đây đang thuộc về Giáo Hội đau khổ và
cần đến lời cầu nguyện của chúng ta. Cũng nên nhớ rằng “Các đẳng linh hồn”
không có nghĩa là trong luyện ngục các linh hồn vẫn có sự phân chia đẳng cấp,
điạ vị như khi còn ở thế gian hay trong Luyện Ngục có bao nhiêu đẳng cấp, thứ
hạng linh hồn. Trong Luyện Ngục, tình trạng thanh luyện của họ có thể khác
nhau, nhưng được “phân cấp” như thế nào thì chúng ta không biết.
Cụm từ “các đẳng”, “các đẳng linh hồn”
đã được sử dụng từ lâu trong Giáo hội tại Việt Nam để chỉ các tín hữu đã qua
đời đang còn thanh luyện chờ ngày hưởng phúc thanh nhàn bất diệt. Lịch phụng vụ
của Roma xưa nay ghi lễ ngày 02/11 là “Commemoratio omnium Fidelium
Defunctorum”. Lịch phụng vụ ởViệt Nam thì dịch là: “Lễ Các Linh Hồn”, “Lễ Linh
Hồn” , “Lễ Cầu Cho Mọi Tín Hữu Qua Đời”, sau này dịch là “Lễ Cầu Cho Các Tín
Hữu Đã Qua Đời”. Thiết nghĩ cách dịch “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” thì sát
nghĩa với nguyên bản, nhưng nên hiểu đó vẫn là nói tắt, vì đầy đủ phải là Lễ
Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời Đang Còn Thanh Luyện (hay đang ở luyện ngục).
Cách nói “Lễ các đẳng” cũng là cách nói tắt, mang âm hưởng văn hóa bản địa về
“cả thảy vong linh” thuộc “thập loại chúng sinh” gồm cả “cô hồn các đẳng”! Phải
chăng các tiền nhân của chúng ta đã hội nhập văn hóa trong khi tạo ra cụm từ
này để phiên dịch?
Tóm lại, ngày 2-11 gọi chính xác là ngày
“Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Còn “Lễ Các Đẳng Linh Hồn” là cách nói vắn
tắt, hiểu theo giáo lý Công Giáo, thì không đúng cho lắm, những nếu đặt trong
bối cảnh văn hoá Việt Nam thì việc tiếp tục sử dụng nó cũng không có gì ngăn
trở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét