LƯƠNG TÂM LÀ NGÔI SAO SÁNG
Lời Chúa: Is
60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Trong phần thứ I của
Sứ Điệp Hòa Bình thế giới đầu năm nay 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng:
“Mặc dù tệ nạn nô lệ đã được chính thức bãi bỏ trên thế giới, và quyền của mỗi
người không bị giữ trong tình trạng nô lệ cũng được công nhận, nhưng ngày nay
hằng triệu người vẫn còn phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ như
những người phải làm việc như nô lệ, người di dân bị tước đoạt tự do và của
cải, bị lạm dụng thể lý, bị giam cầm vô nhân đạo, bị chủ nhân lợi dụng tình
trạng pháp lý bấp bênh, không có giấy tờ hợp pháp, để ép họ làm việc như nô lệ;
có những người nô lệ tình dục, đặc biệt là phụ nữ phải hành nghệ mại dâm, nhiều
trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân những vụ lấy cơ phận để buôn bán, các em
cũng bị xung vào quân ngũ, bị em bán ma túy, vv..”. Tại sa có tình trạng này
xảy ra? Đức Giáo Hoàng trả lời vì con người này nay đánh mất lương tâm trong
sáng mà ngay từ đầu Thiên Chúa đặt để nơi con người. Một trong những sự trong
sáng đó là tình huynh đệ, tình người.
Hôm nay, Lễ Chúa
Hiển Linh hay còn gọi là lễ Ba Vua. Ba vua cũng là các nhà chiêm tinh tìm đến
bái thờ Chúa Giêsu mới sinh, Vua Trời xuống thế, nhờ thấy một vị sao sáng chiếu
sáng trên bầu trời ở Phương Đông. Điều đáng chú ý ở đây là sự nhiệt tình, tích
cực và kiên trì của Ba Vua tìm cho được Chúa dù ánh sao lúc ẩn lúc hiện. Khi ánh sao sáng, họ đi theo ánh sao dẫn
đường. Khi ngôi sao biến mất, họ buộc phải tự tìm đường. Họ vẫn hy vọng, không
hồ nghi về tính xác thực của ông Vua đã được ngôi sao kia báo hiệu. Cho nên,
khi không có ngôi sao, họ dùng tới những phương tiện thông thường là hỏi han,
đến tận vua nước này hỏi. Vua không biết, triệu tập các thượng tế và kinh sư
hỏi họ cũng không biết nhưng mở Thánh Kinh họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn
sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải
là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân
Ta sẽ ra đời". Thế là các đạo
sĩ tìm thấy Chúa Giêsu.
Các nhà chiêm tinh đã đến gặp Chúa nhờ
ánh sao. Con người hôm nay nhờ ánh sáng nào mà gặp được Chúa? Mỗi người Chúa
dựng nên đều có lương tâm. Lương tâm giống như là tấm bản chỉ đường, là ánh sao
trong đêm tối để con người phân biệt được ranh giới giữa thiện và ác. Lương tâm
chính là đền thờ Chúa ngự và ở đó Chúa tỏ mình cho chúng ta để ta đi đến bình
an và hạnh phúc là Thiên đàng.
Con người ngay
đầu đã có lương tâm thiện, “nhân chi sơ
tính bản thiện”. Chính lương tâm thiện này được Thiên Chúa đặt để vào trong
lòng con người khi Ngài dựng nên họ, "Thiên
Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!" (St 1,31). Vì
vậy, con người có giá trị cao hơn mọi loài thụ tạo khác, và hơn nữa giá trị đó
được đánh đổi bằng cái chết của Chúa Giêsu – Ngôi Hai nhập thể làm người (Ep
1,3-7). Cho nên, Chúa Giêsu hằng mong muốn rằng: “Anh em phải có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng
xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ
không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì Thiên Chúa sẽ thứ tha, anh
em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Quả thật, người tốt thì lấy ra cái
tốt từ kho tàng tốt của lòng mình” (Lc 6,36-38.44), và “Hễ ‘có’ thì nói có; ‘không’ thì nói không.
Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).
Trong cuộc sống, lương tâm của chúng ta bị điều
kiện hóa bởi xã hội, có nghĩa rằng cuộc sống ơm áo gạo tiền cho nên tôi phải
mua gian bán lận tiền tài, vì trong trường ai ai cũng quay cóp, dụng tài liệu
nên tôi cũng làm được hay là vì xã hội cho phá thai nên tôi phá thai cho nên
lương tâm ta không thấy cắn rứt, kinh tởm vì đã giết người, người đó đâu ai xa
lạ chính con của mình, máu mủ của mình. Đó vì lương tâm bị điều kiện hóa nên lương
tâm của họ không còn chỗ cho Chúa ngự, tiếng nói của Chúa không còn vang dội
trong thâm tâm của họ nữa, tại sao? Vì lương tâm của họ đầy ắp điều xấu, hay
chai lì với tội lỗi, đến nỗi không biết rằng họ đang sống phần “con” mà mất
phần “người”, chẳng màng chi tới việc tốt, hay chẳng cần phân biệt đâu là tiếng
nói lương tâm, đâu là tiếng nói của Chúa. Chính lúc ấy, ánh sao trong lương tâm
không sáng lên, bị chai lì đi bởi vì nó bị bóng đêm che phủ, đó là bóng đêm tội
lỗi.
Khi ánh sao lịm
tắt, Các đạo sĩ nhờ Thánh Kinh tìm đến Chúa Giêsu. Cũng vậy, Khi lương tâm của
chúng ta lịm tắt thì hãy mở Thánh kinh, Lời Chúa Giêsu Kitô mà đọc và sống Lời
Ngài để ánh sao lương tâm ta bừng sáng lên các nhân đức thánh thiện. Cho nên
người Kitô hữu không chỉ có lương tâm thiện mà có giáo huấn của Tin Mừng giúp
ta sống đời người tươi sáng và hạnh phúc nhờ Thiên Chúa là Đấng làm nên sự
sống, làm nên cốt lõi của một con người.
Vì vậy, lương tâm
là tiếng gọi của Thiên Chúa gắn liền với một giá trị tuyệt đối, làm nên phẩm
giá con người. Chúng ta là cha mẹ, là những người lớn phải có trách nhiệm với
con cái, phải huấn luyện lương tâm con cái trong tinh thần Kitô giáo, để lương
tâm đó thực sự là ánh sao của con cái Thiên Chúa, cũng chính là nguồn Chân
Thiện Mỹ. Và chỉ với lương tâm đó con người mới sống đúng với phẩm giá con
người và phẩm giá một người kitô hữu. Cho nên, trong sứ điệp Hòa Bình thế giới năm
nay 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Vì tự bản chất, con người là hữu thể có
tương quan, được an bài là phải đi tìm sự tròn đầy qua các tương quan liên vị,
được gợi hứng bởi sự công bằng và tình yêu, nên việc nhân phẩm, tự do và tính
tự trị được thừa nhận và tôn trọng, công bằng và tình yêu. Vì vậy, hãy để dưới
ánh sáng Lời Chúa vào lương tâm, chúng ta có thể xem tất cả mọi người “không
còn là những nô lệ, nhưng là anh chị em với nhau” (số 1). Vì vậy, qua sứ điệp
này, Đức Giáo Hoàng có ý cảnh giác người kitô hữu chúng ta để rồi mình biết và
có trách nhiệm bảo vệ trước những đe dọa làm lương tâm mất sự nhạy bén cần
thiết, Ngài cũng kêu gọi để chúng ta trở thành ánh sao của lương tâm, của niềm
tin để góp phần làm chân lý Tin Mừng bừng sáng.
Các đạo sĩ nhờ ánh sáng
Lời Chúa soi dẫn đã bước vào nhà và thấy Hài Nhi và Mẹ Ngài, họ liền sấp mình
thờ lạy Ngài. Chúng ta cũng hãy siêng năng học hỏi Thánh Kinh và sống Lời Chúa
dạy để lương tâm chúng ta thật sự bừng lên ánh sáng: Ánh sáng của sự chân
thành, của phục vụ yêu thương; Ánh sáng của niềm vui an bình, của can trường
bất khuất. Một nụ cười, một ánh mắt, một lời khích lệ cũng bừng sáng rực rỡ
chẳng kém một vì sao. Nhưng vì sao sáng chỉ khi chúng ta để mọc lên trong lòng
chúng ta (x. 2Pr 1,19) ngôi sao mai là chính Đức Kitô Thiên Chúa chúng ta tôn
thờ (x.Kh 2,28).
Ước gì mỗi Kitô hữu trở thành một ánh
sao, để “Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ
Tin Mừng, anh chị em chưa biết CHÚA cùng thừa kế gia nghiệp với chúng ta, cùng
làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).
Alleluia!
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét