Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

LÒNG THƯƠNG XÓT 
PHẢI CHO ĐI NHỮNG GÌ MÌNH ĐANG CÓ

          

     Kết quả hình ảnh cho cho kẻ đói ănTrong Tin Mừng, Thánh Mátthêu từng kể rằng về Cuộc Phán Xét chung rằng: "Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." Rõ ràng Lời Chúa dạy chúng ta rằng sự thưởng phạt của mỗi người chúng ta sau khi chết tùy thuộc vào công việc bác ái và đức tin của chúng ta. Điều đáng chú ý rằng đế làm được những việc bác ái đó, chúng ta phải có lòng thương xót như Chúa Cha, Ngài sẵn sàng cho đi những gì Ngài có.

          Qủa thế, Lần giở lại những trang đầu tiên của Kinh Thánh, vì thương xót con người, Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật và đặc biệt là con người. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ" (St 1,27,28). Ấy vậy, con người không vâng lời Thiên Chúa nên đã phạm tội với Chúa, nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người. Vâng, lòng thương xót của Thiên Chúa muôn ngàn đời mãi trọn tình vẹn nghĩa với con người cho nên chính Ngài đã sai Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu nạn, chịu chết và Phục sinh để chúng ta được sống dồi dào ngay đời này và viên mãn đời sau (1Ga 4,9). Cái chết của Ðức Kitô là cái chết của một người cho tất cả mọi người. Ðó là Tình Yêu được dâng hiến cho tất cả mọi người. Ðó là Hy Sinh cho tất cả mọi người. Ðó là Lý Tưởng của một người sống và chết cho mọi người.

          Cho nên, Chúa Giêsu hôm nay dạy chúng ta rằng: "Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí”. “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí”, không có nghĩa rằng bán hết tài sản cho hết người nghèo để mình trở lại nghèo khố rách áo ôm, không! Có nghĩa là cho đi cái mình có. Cho cái mình có là cái gì? Trước hết là đức tin, chúng ta nhận được đức tin qua Hội thánh nhờ Bí tích Thanh Tẩy. Đức tin là điều kiện cần để được cứu độ (Mc 16,16) và đạt được hạnh phúc Nước Trời (Mt 25,34). Vậy, chúng ta phải tích cực duy trì đức tin, làm cho nó mạnh hơn, trưởng thành hơn qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Mặt Khác, chúng ta phải biết chia sẻ và rao truyền đức tin ấy cho những người chưa biết Chúa, ngõ hầu họ cũng được hạnh phúc như ta hầu khi Chúa đến, Ngài sẽ nhìn thấy mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ đều phủ phục, thờ lạy Ngài là Chúa duy nhất (Kh 5,9-10). Cuối cùng, “Bán hết tài sản của anh” chẳng phải là tài năng, sức lực, trí khôn, danh dự, địa vị… của tôi để đem lại hạnh phúc cho những người bần cùng nhất của xã hội đó sao? Vì vậy, xã hội chúng ta sẽ ra sao, nếu chúng ta sống chỉ biết nhận mà không cho đi, keo kiệt, ích kỷ hay lo thu tích thật nhiều của bằng mọi mưu mô xảo trá gian tà; như thế “được lời cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì và lấy gì đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).
Vì vậy, trong bài chia sẻ với các bạn trẻ tại Ba Lan, Đức thánh Cha Phaxicô nói rằng việc bước theo Đức Giêsu trên Con Đường Thập Giá, một lần nữa chúng ta nhận ra được tầm quan trọng của việc noi gương Ngài qua mười bốn công việc bác ái. Trước hết, “thương xác bảy mối”: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng người ốm và tù nhân, chôn xác kẻ chết. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì cũng phải cho nhưng không. Chúng ta được mời gọi để phục vụ Đức Giêsu nơi những ai bị loại trừ ra ngoài lề xã hội, để đụng chạm xương thịt cực thánh của Ngài nơi những ai đang trong hoàn cảnh khó khăn, những người đói khát, nơi kẻ trần truồng và bị bỏ tù, kẻ đau yếu và thất nghiệp, những người bị bắt bớ, những người di cư và tị nạn. Nơi đó chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa của chúng ta; nơi đó, chúng ta đụng chạm được Chúa. Chính Đức Giêsu đã nói với chúng ta điều này khi Ngài giải thích những tiêu chuẩn mà dựa vào đó chúng ta sẽ được phán xét: bất cứ khi nào chúng ta làm điều đó cho những người anh chị em bé mòn này, chúng ta đang làm cho chính Ngài  (Mt 25,31-46). Sau những việc bác ái phần xác là tới những việc phần hồn: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Qua việc đón nhận những người bị loại trừ đang đau khổ về thể lý và đón nhận những kẻ tội lỗi đang đau khổ về tinh thần, chúng ta xác nhận tư cách người Ki-tô hữu của mình”.

Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta khi nhìn ngắm Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta thấy được định nghĩa đích thực về con người: con người chỉ có thể thể hiện được trọn vẹn tính người khi sống cho người khác. Càng sống cho tha nhân, con người càng tìm lại được chính bản thân. Càng chia sẻ với người khác, con người càng trở nên phong phú... Có của cải, có thì giờ, có niềm vui để chia sẻ đã đành, nhưng con người còn có cả một kho tàng khác để chia sẻ cho người khác: đó là nỗi đau khổ, sự bất hạnh, những hy sinh âm thầm của mình. Âm thầm đón nhận một đau khổ mà không than trách, không phàn nàn, nhưng luôn để lộ trên khuôn mặt sự vui tươi, tinh thần lạc quan: đó là một trong những chia sẻ cao độ nhất mà chúng ta có thể dành cho người khác. Dâng từng khổ đau, hy sinh và âm thầm phục vụ từng ngày để cầu nguyện cho tha nhân: đó là một trong những chia sẻ cao đẹp nhất, bởi vì chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của sự chia sẻ ấy. Và cuối cùng, bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy. Những người coi đồng tiền to hơn mạng sống của mình, rốt cuộc cũng chẳng được gì. Nếu "con cái đời này" biết phải làm gì và làm cách nào đối với tiền của để to liệu cho ngày mai, thì tại sao "con cái sự sáng" lại không biết sử dụng ơn Chúa ban trong hiện tại để chia sẻ cho người nghèo khó để mua lấy bạn hữu Nước Trời. Thật vậy, chúng ta không trở nên giàu có với những điều mình đã nhận lãnh, mà là với những điều mình đã trao ban. Chính vì thế, chỉ khi nào biết quảng đại trao ban cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những người có lòng thương xót như Chúa. Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét