Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

GIÁO LÝ VỀ KINH TIN KÍNH - Tuần I

Bài Mở Đầu
        Các bạn thân mến,
        Trong Hội Thánh Công Giáo có hai Kinh Tin Kính mà chúng ta thường quen gọi là Kinh Tin Kính đọc trước khi lần Hạt Mân Côi: “Tôi tin kính Ðức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”. Và Kinh Tin Kính đọc trong Thánh lễ: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Thực ra hai Kinh Tin Kính này có hai tên rõ ràng và được trong Thánh lễ chứ không theo như chúng ta nghĩ rằng Kinh Tin Kính này đọc cho việc Lần Hạt còn Kinh kia dành để đọc trong Thánh lễ.
        Các bạn thân mến,
        Hai Kinh Tin Kính đó là: Kinh Tin Kính các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Công Đồng Ni-xê-a Con-tan-ti-no-po-li. Như vậy, tại sao có tên như thế?  Kinh Tin Kính các Tông Đồ được gọi như vậy “bởi vì được coi, một cách chính xác, như bản tóm lược trung thành đức tin của các Tông đồ. Ðây là Tín biểu dùng khi rửa tội, được Giáo Hội Rô-ma sử dụng từ thời xa xưa. Do đó, bản này có một uy thế lớn lao: đây là Tín biểu mà Giáo Hội Rô-ma bảo tồn, đó là nơi thánh Phê-rô, thủ lãnh các Tông Đồ, đã đặt tông tòa và là nơi Ngài đã đem đức tin chung của Hội Thánh đến" (GLHTCG, số 194). Còn Kinh Tin Kính Công Đồng Ni-xê-a Con-tan-ti-no-po-li được gọi là Ni-xê-a Con-tan-ti-no- po-li vì có một uy thế lớn lao vì phát xuất từ hai Công đồng chung đầu tiên (năm 325 và năm 381). Cho đến nay, bản này vẫn còn là gia sản chung của tất cả các Giáo Hội lớn của Phương Ðông và Phương Tây (GLHTCG, số 195).

Các bạn thân mến,
        Hội Thánh dạy rằng Ai nói: "Tôi tin", tức là nói: "Tôi gắn bó với những điều chúng tôi tin". Sự thông hiệp trong đức tin đòi hỏi một ngôn ngữ chung của đức tin, làm chuẩn mực cho mọi người và kết hợp mọi người trong cùng một lời tuyên xưng đức tin (185). Vì vậy, ngay từ đầu, Hội Thánh thời các tông đồ đã diễn tả và thông truyền đức tin của mình bằng những công thức ngắn và có giá trị chuẩn mực đối với mọi người. Không lâu sau đó, Hội Thánh lại muốn thu thập những điểm cốt yếu của đức tin vào những bản tóm lược mạch lạc và rõ ràng, chủ yếu dành cho những người chuẩn bị lãnh Bí tích Rửa tội. Cho nên, “Bản tóm lược đức tin này được soạn thảo không phải để làm vừa lòng người ta; nhưng trong toàn bộ Thánh Kinh, đã chọn lấy những điều quan trọng nhất để làm thành một giáo huấn đức tin duy nhất. Như trong một hạt cải nhỏ bé  đã chứa đựng nhiều cành lá, cũng vậy trong một ít lời, bản tóm lược đức tin này chứa đựng toàn bộ tri thức đạo đức của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước” (186).
        Ước mong rằng nhờ kho tàng Đức tin quý giá của Hội Thánh, xin cho mỗi người chúng ta mỗi khi tuyên xưng đức tin ấy cũng chính là đức tin của mỗi người để gắn bó và sống trung thành với những gì chúng ta tuyên xưng chưng:“Việc tuyên xưng ngoài miệng cho thấy đức tin bao gồm việc làm chứng và dấn thân công khai. Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng đức tin là một điều riêng tư. Đức tin là quyết định đứng về phía Chúa để sống với Ngài. Và thành ngữ “ở với Chúa” giúp hiểu biết những lý do tại sao ta tin” (Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Cánh cửa đức tin, số 2).

       
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét