THƯƠNG XÓT LÀ PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI HÈN YẾU
Thói thường ở đời, ai cũng
muốn mình hơn người khác: mình phải nổi hơn, giỏi hơn, giàu có hơn, thế lực
hơn... để được người hầu kẻ hạ, ăn trên ngồi trốc. Vì muốn nổi hơn người, nhiều
người không ngần ngại tìm cách chà đạp người khác, người khác ở đây là người
ngang hàng với họ, chưa nói đến người thấp kém, nghèo khổ, bệnh tật. Cho nên, chuyện
thương người phục vụ như Chúa Giêsu dạy hôm nay, chắc nhiều người nói với rằng
Chúa ơi, con không thể làm theo Lời Chúa được. Nhưng, thử hỏi những người như
thế có mấy người thương mến, mấy ai cảm phục. Cho nên, nhạc sĩ Vũ Thành An
khẳng định rằng: "Mai về sau nước
mắt khô cạn, khi xa đời, thương cho đàn con. Triệu người quen có mấy người
thân. Khi lìa trần có mấy người đưa”. Vì thế, Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm
lòng", tấm lòng đó là lòng thương xót biết phục vụ nhau, vì ngày sau
sỏi đá cũng cần có nhau huống chi là bây giờ.
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải có tấm lòng thương xót phục vụ
không phải là chuyện phục vụ có qua có lại mới toại lòng nhau nhưng mà phải
phục vụ cho không, phục vụ không đòi đền đáp như thế mới đẹp lòng Thiên Chúa.
Qủa thế, Lời Chúa trong bài đọc 1 Sách Huấn Ca dạy "Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được
mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ
được đẹp lòng Đức Chúa". Thêm nữa, Chúa Giêsu dạy: "Khi nào chúng ta đãi khách ăn trưa hay ăn
tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ
cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc,
hãy mời những người nghèo khó, khuyết tật, què quặt, đui mù. Họ
không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ
trong ngày các kẻ lành sống lại".
Vì vậy, thư Do thái trong bài đọc hai khẳng định rằng nếu phục vụ những
người nghèo khổ là có phúc cho chúng ta vì chúng ta là những kẻ đã được ghi tên
trên trời.
Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến để thi hành lòng thương xót của Thiên
Chúa: Mạc khải Thiên Chúa cho nhân loại để ai tin vào Người sẽ được sống đời
đời (Ga 3,31-36) và đền bù sự chối từ phục vụ Thiên Chúa của ông bà nguyên tổ
chúng ta (St 3,6) qua cái chết đau thương trên thập giá (Mt 16,21). Qủa thế, Chúa Giêsu đã chọn sinh ra trong cảnh cơ hàn.
Ngài đã sống khiêm tốn ẩn dật giữa làng quê Nagiarét. Ngài đã đến trần gian
không phải để được phục vụ mà là để phục vụ. Chính trong bữa tiệc ly, Ngài đã
làm bổn phận của người tôi tớ khi cúi mình rửa chân cho các Tông đồ. Chúa là
Chúa, là Thầy nhưng chẳng màng đến địa vị cao qúy của mình, chỉ biết một điều
là tự hủy chính mình để trở nên tôi tớ cho mọi người. Chúa cũng không chọn một
đối tượng nào để phục vụ. Chúa cũng không loại trừ một giai cấp nào trong bàn
tiệc mà chính Chúa thiết đãi. Tất cả mọi người từ đông chí tây, nghèo hèn,
khuyết tật, ốm đau, tội lỗi.. đều được Chúa thương xót phục vụ, cứu độ hết mọi
người.
Để thương xót phục vụ mọi người như Chúa Giêsu, chúng ta cần xóa mình, xoá
những chức vụ, địa vị, sang giàu hay đặc
quyền mình có. Chúng
ta cần phải biết sống khiêm tốn với mọi người và sống hoà hợp với nhau trong
yêu thương chân thành. Người làm lớn phải biết cúi mình phục vụ. Biết khiêm tốn
khi sống giữa anh em, biết lấy tình yêu thương xót để phục vụ nhau, đặc biệt với
những người nghèo vì họ là thịt máu Chúa Kitô. Cho nên, Chúa Giêsu dạy chúng ta
khi đãi tiệc, hãy thiết đãi cả những kẻ không có khả năng mời lại chúng ta một
ly rượu. Đừng mời nhau theo kiểu “có qua có lại”, mà chủ yếu là tình người với
nhau. Tình người cao qúy hơn tiền bạc, hơn mọi thứ vật chất trần gian, thế nên,
phải biết đặt tình người hơn những tính toán lợi nhuận. Đừng vì những lợi nhuận
vật chất mà loại trừ anh em, vì được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, mất
Chúa và mất tha nhân nào có ích gì. Cụ thể, Chân Phước Teresa Calcutta mà Hội
Thánh sắp phong thánh Ngài kể rằng Năm 1962, Mẹ được giải thưởng đầu tiên về
công việc Nhân Ðạo của Mẹ. Năm 1979, được giải thưởng Nobel Hòa Bình. Năm 1985,
được trao Huy Chương Tự Do, huy chương dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Mẹ đã
dùng tất cả những số tiền giải thưởng này để thiết lập thêm nhiều trung tâm chắm
sóc những người khuyết tật, bệnh hoạn và sắp chết.
Vì vậy, trong buổi tiếp kiến hơn 20 ngàn khác hành
hương tại quảng trường Thánh Phêrô tại Rôma ngày 22-6-2016 vừa qua, Đức Thánh
Cha Phanxicô nói rằng: “Các người nghèo,
người bị loại trừ và bệnh tật là thịt xác của Chúa Kitô. Có biết bao lần chúng
ta găp gỡ một người nghèo đến gặp chúng ta! Chúng ta cũng có thể quảng đại, có
thể cảm thương, nhưng không đụng tới tay họ. Chúng ta cho họ một đồng bạc,
nhưng tránh đụng tới tay họ, chúng ta vứt đồng bạc ở đó. Chúa Giêsu dạy chúng
ta đừng sợ hãi đụng tới người nghèo và người bị loại trừ, bởi vì Ngài ở trong
họ. Họ là anh em của chúng ta! Kitô hữu không loại trừ ai hết, nhưng cho họ chỗ
và để cho tất cả mọi người đến”.
Ước
gì qua Lời Chúa và Thánh Thể Chúa Giêsu mà chúng ta sắp rước Ngài vào trong
cung lòng, ban cho chúng ta tình yêu thương xót để rồi sau
Thánh lễ này, cùng hiệp thông với Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy cất bước vào
đời thi hành lòng thương xót phục vụ mọi nơi, mọi lúc và trong từng việc chúng
ta làm; phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp,
phục vụ ân nghĩa không chờ, và phục vụ tất cả vì Chúa Kitô. Vì chưng, trong
cuộc sống, nếu chúng ta không thương xót người ta, không ao ước phục vụ người
ta, hãy tự hỏi lòng mình rằng: liệu Chúa Giêsu Kitô có thật sự ở trong tôi
không? Và tôi có phải là môn đệ Chúa Kitô có lòng thương xót như Ngài không?
Nói như lời những lời của Thánh Giacôbê
Tông Đồ có thể nói rằng lòng thương xót mà không có việc làm là lòng thương xót
chết”. Xin
Chúa cho chúng ta biết thương xót nhau như Chúa đã thương xót chúng ta. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét