LỬA
LÒNG THƯƠNG XÓT
Chúa Giêsu hôm nay nói
với các môn đệ về sứ mạng của Ngài là: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và
Thầy những ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên!”. Lửa ấy là gì? Theo các
nhà chú giải Thánh kinh, lửa ấy chính là: Chân lý, là Tin Mừng, là Thần Khí và
là Tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn cho “lửa” đó
được bùng lên, nghĩa là muốn cho mọi người trên khắp thế giới được nhận biết
Chân lý và Tình yêu thương xót của Thiên Chúa đồng thời làm cho lòng thương xót
của Chúa cháy lan ra khắp mọi người qua công việc thương xót, thực thi Lời Chúa
trong đời sống của chúng ta.
Khởi đầu sứ vụ, trong
bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng về lửa được Ngài ném vào thế
gian. Đó là lửa của những mối phúc trong đó có mối phúc cho ai biết xót thương
người thì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,3-12), đặc biệt lửa của Chúa
Giêsu ném vào trần gian là những lửa của lòng khoan dung tha thứ tội lỗi và của
trái tim từ bi cảm thông, chia sẻ, hy sinh và phục vụ hết mọi người. Thật vậy,
lửa lòng thương xót của Chúa Giêsu bừng cháy rõ ràng trong toàn bộ cuộc sống
của Chúa Giê-su. Chẳng hạn như đối với các tội nhân, với những người nghèo,
những người bị đẩy ra bên lề, các bệnh nhân và những người đau khổ… không có
bất cứ điều chi trong Ngài mà không phải là sự chạnh thương. Khi Chúa Giê-su
thấy nhiều người đi theo Ngài đang bị mệt mỏi và kiệt sức, bị bỏ rơi và như
đoàn chiên không có chủ chăn, Ngài đã chạnh lòng thương họ với nỗi cảm thông
sâu xa trong con tim của Ngài (xc. Mt 9,36). Trong sức mạnh của Tình Yêu cảm
thông, Ngài đã chữa lành các bệnh nhân mà người ta mang đến cho Ngài (xc. Mt
14,14), và với một ít chiếc bánh mì và vài con cá, Ngài đã làm cho nhiều người
được no nê (xc. Mt 15,37). Rồi khi Ngài gặp bà góa thành Na-im, người đang tiễn
đứa con duy nhất của mình tới mộ, Ngài đã cảm thấy có một sự đồng cảm mạnh mẽ
với sự đau đớn khôn cùng này của một người mẹ đang than khóc đứa con của mình,
đến độ Ngài đã làm cho người con ấy được phục sinh từ cõi chết và trao người
con này lại cho bà (xc. Lc 7,15). Sau đó, Ngài đã trừ quỷ cho một người bị quỷ
ám tại Ge-ra-sa. Rồi khi Chúa Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, Ngài đã đưa
mắt nhìn Mát-thêu. Đó là ánh mắt của Lòng Thương Xót, ánh mắt ấy đã tha thứ mọi
tội lỗi cho con người này. Và cuối cùng, Chúa Giêsu đã chịu nạn, chịu chết và
phục sinh để thương xót cứu mọi người khỏi chết muôn đời.
Lòng
thương xót Chúa đã được thể hiện trên cây thập giá, trong cuộc khổ nạn đau
thương, đó chính là phép rửa mà Chúa Giêsu phải chịu, để ném lửa yêu thương vào
trần gian. Như Chúa Giêsu đã đẩy lui bóng tối tử thần bằng ánh sáng Phục sinh
và sai các môn đệ đi loan báo tin vui, nay Người cũng mời gọi chúng ta hãy xua tan
bóng tối của bất công, hận thù, nghèo đói bằng lừa của tình thương cứu độ.
Vâng, Chúa Thánh Thần tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu, làm nhiều người can đảm
đáp trả tiếng Chúa mời gọi, sẵn sàng sống chết cho tình yêu thương xót của
Thiên Chúa và mọi người, chẳng hạn Thánh Gioan Phaolô II, Chân phước Mẹ Têrêxa
calcutta..
Trên
đường trần không thiếu những gai góc và gian nan vất vả, nhưng với ngọn lửa
lòng thương xót Chúa Giêsu đã ném vào đời người Kitô hữu, chúng ta hãy mạnh dạn
tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu, nỗ lực làm bừng cháy lên ngọn lửa tình yêu
thương xót. Nhìn lên Đức Giêsu như Người Thầy gương mẫu và lý tưởng, chúng ta
hãy hiên ngang sống giữa đời, đem ngọn lửa tình thương xót của Chúa Kitô vào
các môi trường chúng ta đang sống bằng các công
việc từ bi bác ái, lời nói và kinh nguyện, trong thế giới chúng ta bị vô cảm vì
lòng ích kỷ, oán thù và bao nhiêu điều tuyệt vọng.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay,
xin cho mỗi người chúng ta cầu nguyện xin Chúa như Thánh Faustina nữ tông đồ
của lòng thương xót Chúa rằng: “Lạy Chúa,
xin hãy giúp con để mắt con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ ngờ vực
hay phán đoán theo bề ngoài, nhưng biết nhìn thấy những gì là mỹ miều nơi tâm
hồn của tha nhân và giúp đỡ họ. Xin hãy giúp con để tai con biết xót thương, nhờ
đó, con lắng nghe các nhu cầu của tha nhân, và không dửng dưng trước những đớn
đau và than van của họ. Lạy Chúa, xin hãy giúp con, để lưỡi con biết xót
thương, nhờ đó, con không bao giờ nói tiêu cực về người khác, nhưng biết có lời
ủi an và tha thứ cho mọi người. Lạy Chúa, xin hãy giúp con để tay con biết xót
thương và đầy những việc thiện; xin cho chân con biết xót thương, nhờ đó, con
mau mắn giúp đỡ tha nhân, bất kể sự mệt nhọc và chán chường của bản thân. Xin
hãy giúp con, để tim con biết xót thương, nhờ đó, chính con có thể chung chia
mọi khổ đau của tha nhân. Amen” (Nhật Ký của Thánh Faustina, 163).
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét