SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CHÚA XÓT THƯƠNG
Trong suốt Mùa Chay, Lời Chúa luôn gọi mời chúng ta SÁM HỐI. Nhưng sám hối
là gì? Sám hối thế nào? Sám hối để làm gì? Tại sao ta phải sám hối? Cựu ước có 2 động từ Hipri được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: Thứ nhất, động từ Shuv, có nghĩa là quay trở lại hay thay đổi đường đi, trở
về. Vì
dụ, “Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước
sẽ trở lại cùng Ngài” (Tv 51,15). Thứ hai, động từ
Nicham, có nghĩa là cảm thấy hối hận vì những việc sai trái mình đã làm. Ví dụ,
“Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than
van" (Ge 2,12). Còn Tân Ước dùng 3 từ Hy Lạp
được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: Thứ nhất, động từ
Metamelomai có nghĩa chỉ sự thay đổi tư tưởng, có ý hối tiếc hay thậm
chí hối hận vì tội, nhưng không nhất thiết có sự
thay đổi nội tâm. Chẳng hạn, sự hối hận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận” (Mt 27,3). Thứ hai, động từ Metanoeo có
nghĩa chỉ sự thay đổi tư tưởng và chủ đích do kết quả của việc nhận thức. “Còn người thu thuế thì đứng
đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa
thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13). Thứ ba, danh từ
Metanoia có nghĩa chỉ sự sám hối thực sự, một sự thay đổi tư tưởng, chủ đích và
đặc biệt phải sống theo những đòi hỏi của việc xá tội. “Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn
lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại
nhà ông! " Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi
người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! " Ông Da-kêu
đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi
cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của
ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,5-9).