Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY C



TIN LÀ TÍN THÁC VÀO CHÚA

 Kết quả hình ảnh cho chúa biến hình

Bài đọc 1 nghe kể lại câu chuyện việc Thiên Chúa lập giao ước với tổ phụ Áp-ra-ham vì ông tin Chúa. Qủa thế, tổ phụ Áp-ra-ham đã tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, tin vào các lời Ngài hứa và tương lai mà Thiên Chúa hoạch định ra cho ông, ngay khi mà ông chưa có được gì cả. Chính thái độ tín thác hoàn toàn này khiến Abraham thành mẫu gương và là cha của những người có lòng tin thuộc mọi thời đại. Tiếng Do thái “Aman” từ đó phát sinh ra tiếng Amen mà chúng ta thường dùng để kết thúc một lời nguyện là động từ "tin" nhưng nó có nghĩa gốc là cậy dựa trên, dựa vào. Như thế tin có nghĩa là chỉ cậy dựa vào hay tín thác vào Thiên Chúa và lời Thiên Chúa mà thôi. Tin như tổ phụ Áp-ra-ham nghĩa là tín thác bước đi theo chương trình Thiên Chúa đề nghị với chúng ta. Một chương trình bí nhiệm khác với những gì chúng ta tưởng nghĩ và mong ước. Tin có nghĩa là sẵn sàng ra khỏi môi trường sống đảm bảo, ra khỏi những thói quen, kiểu cách sống qui ước của loài người để đưa ra tay ra nắm chặt lấy bàn tay của Chúa để cho Ngài hướng dẫn và bước đi theo Ngài.

Cho nên, bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu biến hình có ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Tại sao không phải là tổ phụ I-sa-ác hay Gia-cóp mà là ông Mô-sê và Ê-li-a, bởi vì hai ông là hai gương mặt diễn tả tất cả Thánh Kinh, diễn tả tất cả Lời Chúa mà tín hữu cần phải biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa chỉ dạy mỗi ngày. Qua biến cố biến hình, Thiên Chúa không chỉ mời gọi chúng ta biết lắng nghe và sống Lời Ngài hứa là Tin Mừng của Chúa Giêsu, mà còn mời gọi chúng ta bước vào cuộc sống giao ước mà chúng ta ký kết với Ngài trong sự phó thác và tin tưởng.
Khi nói đến việc theo Đạo, chúng ta dễ nghĩ ngay đến chuyện tôi theo theo một hệ tư tưởng, tôi chấp nhận hệ luân lý, lề luật của Đạo đó. Đối với Kitô Giáo không bao giờ theo Đạo chỉ là một thệ tư tưởng triết học cho dẫu sâu sắc, hệ luân lý hoàn chỉnh mà theo Đạo là tôi bước vào một giao ước với Thiên Chúa, có nghĩa là tôi bước vào đời sống đức tin với Chúa trong yêu thương, tín thác và sẵn sàng thi hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Như vậy, có Đạo Công giáo là có đức tin sống động giữa ta với Thiên Chúa, gọi môn na là sống Đạo. Qủa thế, đức tin dẫn chúng ta vào giao ước với Thiên Chúa. Giống như cuộc sống hôn nhân đòi hỏi quan trọng của giao ước là trung tín. Ví dụ, một anh thanh niên có thể có 5-7 cô bồ nhưng khi thành hôn với một cô nào đó thì phải giữ lời cam kết giao ước là trung tín đến cùng: “Anh sẽ giữ lòng trung tín với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe…”. Đời sống với Thiên Chúa cũng vậy, chúng ta được mời gọi trung tín với Thiên Chúa trong lúc bình an cũng như trong đêm tối. Abraham, Chúa bảo hãy nhìn lên bầu trời đếm sao, dòng dõi người sẽ đông đúc như thế, nhưng trong cuộc đời ông, vợ của ông thuộc hàng vô sinh đến nỗi bà Sara đề nghị ông ăn ở với một đứa tớ gái để kiếm được đứa con. Như khi ông có được đứa con trai duy nhất với bà Sara thì Chúa bảo hãy sát tế nó cho Thiên Chúa. Lời hứa của Chúa đâu? Ông ở trong tăm tối của lòng tin nhưng ông vẫn tín thác thực hiện theo ý Chúa cho nên ông xứng đáng cha của lòng tin. Các môn đệ trên núi Tabor, họ thấy vinh quang Chúa tỏ hiện như một ánh chớp. Sau đó vinh quang ấy tắt lịm rồi đến vườn cây Dầu nơi đó Thầy mình như một con người bình thường run rẩy sợ hãi đến nỗi toát mồ hôi máu. Rồi, Quan Philatô giới thiệu Chúa Giêsu cho toàn dân “Đây là người, các ngươi nhìn coi con người này có đáng là người không?” Bởi vì bị đánh bơi tờ cả đêm đau còn hình tượng người ta nữa. Tiếp sau đó là đồi Gôngôtha Thầy bị treo lơ lững trên không gian bị người ta sỉ vả, nguyền rủa.
Trong tăm tối của đức tin đó, các môn đệ vẫn tín thác theo Chúa và làm tông đồ cho Chúa. Chúng ta thì sao? Tăm tối đến từ chính bản thân mình. Lúc mới theo Đạo sốt sắng lắm nhưng 5-10-20 năm sau việc sống thân tình với Chúa nhạt nhẽo dần, coi thường việc sống Đạo! Thêm vào đó, cái tăm tối của cuộc sống bao phủ chúng ta: nào là cơm áo gạo tiền, thất bại trong tình trường và thương trường, bệnh tật, ảnh hưởng văn hóa dững dưng hay bệnh vô cảm của xã hội hôm nay làm chúng ta chẳng còn trước kính mến Chúa trên hết mọi sự sau lại thương người như mình ta nữa! Và lại nữa, thời đại hôm nay giá trị Tin mừng: yêu thương, hiền lành, bao dung, thương xót, tha thứ… bị người ta đóng đinh vào thập giá, phủ nhận chúng. Liệu chúng ta có trung thành và tín thác vào Chúa nữa không?
          Lòng thương xót Chúa luôn nâng đỡ chúng ta để chúng ta tín thác vào Chúa và bền đỗ theo Ngài đến cùng trong mọi hoàn cảnh. Hôm nay Thiên Chúa vẫn hằng nâng đỡ và “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21) (bài đọc 2). Vì vậy, hãy tín thác vào Chúa và nhờ lòng thương xót của Ngài, chúng ta sẽ lớn mạnh trong đức tin như Tổ phụ Áp-ra-ham, Đức Mẹ, các Tông đồ... Một khi đức tin lớn mạnh chúng ta đặt trọn đời mình trong tay Chúa với trọn niềm tin yêu cho dẫu cuộc sống chúng ta hạnh phúc, bình an hay khi gặp thử thách hay đau khổ. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay xin cho mỗi người chúng ta xác tín rằng: đức tin là ra đi phó thác đời mình cho Chúa, tín thác vào lòng thương xót Chúa vì “CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27,1).
     Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét