Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Mồng Một Tết Nguyên Đán

NĂM MỚI ĐỔI MỚI TẤM LÒNG

Tết Nguyên Đán có nghĩa là gì? Tết: do chữ Tiết (thời tiết). Nguyên: bắt đầu. Đán: buổi sáng sớm. Vậy Tết Nguyên Đán tức là Tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới. Tại sao tiền nhân chúng ta không chọn tháng 3 để tổ chức Tết Nguyên Đán, như các dân tộc Miên, Thái hoặc Lào hoặc một tháng nào đó trong năm mà lại chọn đúng vào ngày đầu tháng Giêng âm lịch. Các bậc tiền nhân chúng ta khôn ngoan, lại xuất thân từ giới nông dân, sở dĩ các ngài chọn ngày đầu năm âm lịch để tổ chức Tết Nguyên Đán, vì thời gian này nhằm vào đúng mùa xuân, một mùa đẹp nhất trong năm với thời tiết mát mẻ, dịu dàng, cây cối đâm chồi nảy lộc, khoe thắm sắc hương và mang một màu sắc xinh tươi, mới mẻ rất thích hợp trong việc thăm viếng bà con, thân thuộc, bạn bè. Đây cũng là khoảng thời gian mà mọi công việc đồng áng đã hoàn tất, lúa gặt xong và được đem chứa vào những lẫm lúa. Người nông dân chân lấm tay bùn, sau một năm vất vả với công việc đồng áng, giờ đây được thảnh thơi hoàn toàn có thể cùng nhau hội họp, liên hoan, ăn uống vui vẻ với nhau để tỏ lòng biết ơn đối với Trời Đất và tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người thân yêu ruột thịt đã qua đời! Như vậy, Tết theo truyền thống tiền nhân là dịp biết ơn Trời Đất, chia sẻ niềm vui với nhau và tưởng nhớ các bậc tổ tiên ông bà, những người thân đã qua đời.

Cảm ơn Ông Trời! Các bậc tiền nhân nói Ông Trời có toàn năng phép tắc và an bài mọi sự:Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm. Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng”. Ông Trời đó chính là Thiên Chúa mà các bậc tiền nhân của chúng ta chưa biết rõ vì Tin Mừng mới vào đất Nước Việt chúng ta hơn 400 năm. Cho nên, chúng ta ngày nay mỗi lần tết đến xuân về thì nói rằng: “Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi. Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ, cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh, chiên cừu phủ trắng đồng xanh, lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào, câu hò tiếng hát trổi cao” (Tv 65,12-14).
Ngày Tết có nét đẹp của lòng biết ơn Chúa và cho đi. Trước hết, biết ơn Chúa vì đời sống chúng ta là cả một chuỗi những ngày chịu ơn. Từ những ơn căn bản của sự sống tới những ơn được thương xót nâng đỡ. Chúng ta là loài thụ tạo, có nghĩa là Chúa ban cho chúng ta tất cả từ hơi thở sự sống, từ khả năng đón nhận âm thanh, ánh sáng và từ nguồn lương thực dưỡng nuôi và mọi nhu cầu của cuộc sống. Từng giây từng phút chúng ta thụ ơn Đấng Tạo Thành của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta đã làm gì để đền đáp những ơn mà Ngài đã thương xót ban tặng cho ta? Có mấy khi chúng ta để tâm ngước nhìn lên trời cao mà cảm tạ hồng ân Chúa ban! Chúa ban cho chúng ta một tuần 7 ngày, mỗi ngày có 24 giờ, vậy mà chúng ta vẫn còn tiếc xót dâng lại cho Chúa một vài giờ mỗi tuần để cùng ca tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa. Chúng ta thử nghĩ, nếu một ai đó cho chúng ta một món qùa dù rất nhỏ, chúng ta sẽ vui vẻ nhận lãnh và cám ơn rếu rít. Trái lại, Thiên Chúa quan phòng yêu thương ban sự sống tự nhiên và siêu nhiên. Đặc biệt hơn nữa là nhờ chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, dung nhan thương xót của Chúa Cha, Thiên Chúa đến ở với chúng ta làm cho chúng ta được bình an mỗi ngày trong cuộc sống. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23”. Và “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12). Chính vì thế, để tỏ lòng biết ơn Chúa trong năm qua và năm mới đến, nói như Thánh Phaolô trong bài đọc 2, chúng ta hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Chúng ta có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha (Cl 3,16-17).  Giơ đây, chúng ta hãy cất cao tiếng, hát rằng: “Đến muôn Đời con cảm tạ ơn chúa.Đến muôn đời con ngợi khen danh Chúa.(Đến muôn đời) Muôn muôn đời con ca vang tình thuong chúa.Và mãi mãi con nhớ công ơn người. 1/ Vì tình yêu bao la, Chúa nâng đỡ con như phượng hoàng tung đôi cánh. Chúa dắt dìu con đi.Trong cánh tay người hạnh phúc nào hơn”. 
          Vâng, nhờ tình thương xót bao la hải hà của Thiên Chúa mà chúng ta được bình an hạnh phúc. Lời Chúa trong bài đọc 2 viết: “Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó”. “Bình an của Chúa Giêsu điều khiển tâm hồn chúng ta” có nghĩa là sao? Có nghĩa rằng Chúa thương xót làm cho đời ta hạnh phúc bình an thì chúng ta cũng làm cho người khác bình an hạnh phúc như câu chúc tết chúng ta hay chúc cho nhau. Vì thế, trong suốt năm Bính Thân này, nhất là Năm Thánh Lòng Thương Xót và cả đời sống Kitô hữu chúng ta, chúng ta phải “có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”.
Ngày Tết có nét đẹp truyền thống là lì xì lấy lộc, lì xì là cho đi chút tiền, chút tình và chút lòng của mỗi người không tiếc, còn người nhận tiền lì xì cũng phải thật lòng cho đi những câu chúc đẹp nhất. Người ta thì “đón xuân này ta nhớ xuân xưa”. Còn người Công giáo chúng ta thì đón xuân này khác xuân xưa”. Khác ở chỗ biết cho đi tình yêu thương xót nhau không chỉ trong 3 ngày xuân 7 ngày tết mà cả đời người. Đó là niềm vui trọn vẹn nhất mà chúng ta tạo cho nhau trong những ngày Tết và mọi ngày. Vì thế, trong Sứ điệp đầu năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Lòng thương xót là con tim của Thiên Chúa. Vì thế nó cũng phải là con tim của tất cả những ai tự nhận mình là chi thể của đại gia đình duy nhất của các con cái Ngài; một con tim dấn thân mạnh mẽ đập nhịp phẩm giá con người tại khắp mọi nơi phản ánh gương mặt của Thiên Chúa nơi các thụ tạo của Ngài. Tất cả chúng ta cũng được mời gọi biến tình yêu, lòng trắc ẩn, thương xót và tình liên đới trở thành chương trình sống, trở thành một kiểu hành xử trong các tương quan với nhau. Ơn của Thiên Chúa biến đổi con tim bằng đá của chúng ta thành con tim bằng thịt, có khả năng rộng mở cho tha nhân với tình liên đới đích thật. Tình liên đới là “sự  quyết tâm vững vàng và kiên trì dấn thân cho công ích: hay cho hạnh phúc của tất cả mọi người và từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm đối với mọi người bởi vì sự trắc ẩn nảy sinh từ tình huynh đệ” (Số 5).
Vâng, đổi mới đời sống, đổi mới tấm lòng là điều Thiên Chúa tha thiết mong muốn nơi mỗi người chúng ta trong ngày đầu năm này. Người không ngừng mời gọi ta hãy từ bỏ con đường tội lỗi xưa cũ, bước vào con đường mới, con đường thương xót, hiền lành và thánh thiện của con cái Thiên chúa. Ngày Tết chính là một cơ hội cho chúng ta để nài xin Thiên Chúa ban thêm đức tin, đức cậy, đức mến để chúng ta thực hành Lời Chúa dạy ngay từ hôm nay: NĂM MỚI ĐỔI MỚI TẤM LÒNG. Lạy Đức Kitô là Mùa Xuân đích thực, không bao giờ tàn úa, xin đổi mới tâm hồn con. Amen


                  Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét