LÒNG THƯƠNG XÓT BỊ THỬ THÁCH
Thử thách là mối nguy cho tình
yêu thương xót, nhưng cũng nhờ nó mà tình yêu thương xót mạnh hơn mọi cám dỗ.
Thử thách giống một nốt nhạc đối vị làm nổi bật giai điệu thánh thót trầm hùng
làm cho bản nhạc hay hơn, sáng hơn và hào hùng hơn. Đức Giêsu hôm nay đã muốn
chịu thử thách của cám dỗ là để cho lòng thương xót của Ngài nên mạnh mẻ hơn,
quyết liệt và sắc son hơn. Qủa thế, suốt cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, Chúa
gặp nhiều thử thách từ khi sinh ra cho đến tận đồi Canvê nhưng tất cả tư tưởng,
lời nói và việc làm của Chúa đều hướng tới mục đích hoàn tất ý muốn của Cha là
thương xót cứu độ con người.
Chúa muốn đối đầu với thử thách
trong tư thế lãnh đạo Giáo Hội thì tất nhiên Giáo Hội của Chúa và mỗi tín hữu
thành phần Giáo Hội cũng phải kinh qua thử thách và phải chống trả những cơn
cám dỗ như Chúa. Giống Thầy, tín hữu phải dùng thử thách làm dịp thử lửa tôi
luyện một tình yêu thương xót lớn mạnh hơn hận thù, tình yêu thương xót mạnh
hơn tội lỗi và tình yêu thương xót mạnh hơn sự ích kỷ, vô cảm và dững dưng.
Trước hết, ma quỷ cám dỗ Chúa,
nài Chúa hãy dùng quyền năng thần linh của Chúa để thoả mãn một nhu cầu vật chất
của Người là đói thì cần có của ăn. Nhưng Chúa Giêsu cho biết rằng “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh".
Như vậy, cơm bánh là cái cần thiết cho thân xác còn Lời Chúa cần thiết cho tâm
hồn. Mà tâm hồn thì điều khiến thân xác vì chưng “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì
lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc
6,45). Vì vậy Chúa dạy con người chúng ta hôm nay sống không chỉ nhờ cơm
bánh mà sống nhờ bởi việc bác ái, tình liên kết, công bằng và tình thương – và
thứ bánh này do Thiên Chúa ban cho, thiếu của ăn thiêng liêng thì của ăn nuôi
xác cũng sẽ thiếu, hoặc sẽ hư đi. Thứ đến, ma quỷ ngỏ ý muốn giúp Chúa, với điều
kiện: “Nếu Ngài sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho Ngài quyền bá chủ thế giới”. Công
việc bác ái của chúng ta hôm nay cũng bị cám dỗ của sự kiêu ngạo, được danh để
người ta tôn thờ mình. Đức Giêsu hôm nay quả quyết: “Ngươi sẽ chỉ tuân phục
Thiên Chúa mà thôi”.
Lời Chúa trong thư Do thái rằng:
“Người
đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế
nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì
bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những
ai bị thử thách” (Dt
2,17-18). Suy nghĩ về điểm này, thánh Gioan Viannay phấn khởi kêu lên: “Chúng ta hạnh phúc thay! May mắn thay cho
chúng ta có Thiên Chúa làm gương mẫu! Chúng ta nghèo khổ ư? Chúng ta có một
Thiên Chúa sinh ra trong chuồng bò, nằm trong máng cỏ. Chúng ta bị khinh chê ư?
Chúng ta có một Thiên Chúa đi trước chúng ta về điểm đó, Ngài đã từng bị đội
mão gai, quấn áo đỏ để coi như một tên điên khùng. Chúng ta bị đối xử tồi tệ và
đánh đập tàn nhẫn ư? Chúng ta có một Thiên Chúa, đứng trước ta, mình đầy vết
thương, chết giữa những khổ hình mà ta không thể tưởng tượng ra. Chúng ta chịu
bách hại sao? Này, sao mà dám phàn nàn khi ta có một Chúa chịu chết vì tay các
lý hình. Cuối cùng, chúng ta đau khổ vì bị cám dỗ sao? Chúng ta có một Chúa Cứu
Thế đáng yêu cũng bị ma quỷ cám dỗ, hai lần bị các thần dữ mang đi này, và
trong tất cả các khổ đau, quyến rũ và cám dỗ mà chúng ta gặp phải, chúng ta
luôn có Chúa đi trước chúng ta, bảo đảm cho chúng ta toàn thắng miễn là chúng
ta muốn thật”. Như thế Chúa dạy không ai tránh khỏi cám dỗ, Chúa chỉ cách
thắng vượt, khuyến khích ta tin cậy vào lòng thương xót, vì chính Ngài cũng bị
cám dỗ như ta.
Ước
gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra Chúa và lòng thương xót của Ngài luôn
ấp ủ ta, chúng ta hãy tỉnh thức để chiến đấu với những cơn cám dỗ hằng ngày của
chúng ta về lòng thương xót tha nhân: tôi thương xót họ không phải là thương hại
họ, không phải để trục danh, trục lợi; thương xót không phải đề người ta khen
ngợi tôn mình lên nhưng thương xót như Chúa thương xót chúng ta. Ước gì trong
suốt Mùa Chay thánh này mỗi người chúng ta hãy hãy mở mắt và mở cõi lòng mình
ra cho tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau của kiếp hiện
sinh, những người nghèo khổ, những người bị cướp đi phẩm giá của họ và các bệnh
nhân. Chúng ta hãy đến chữa trị những vết thương ấy, hầu xoa dịu những vết
thương ấy bằng dầu ủi an, băng bó những vết thương ấy bằng hành động cụ thể:
cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc… đồng thời chữa lành
những vết thương ấy bằng tình liên đới và sự kính trọng (Tông Sắc Dung Nhan
Lòng Thương Xót, số 15§1). Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét