Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

TĨNH TÂM MÙA CHAY 2016

Đức Tin Sống Nhờ Có Lòng Thương Xót
     Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
 
 
 ·        Làm dấu thánh giá
·        Hát Kinh Chúa Thánh Thần
·        Cầu nguyện:
Lạy Chúa, chúng con xin sấp mình thờ lạy Chúa,/ hết lòng cảm tạ,/ tung hô và ngợi khen Chúa/ vì Chúa đã cho chúng con đến với Chúa,/ ở với Chúa và sống với Chúa giờ này. Xin Chúa ban Thánh Linh Chúa đến giúp chúng con được trầm tĩnh tâm hồn hầu kết hiệp với Chúa để Chúa dạy chúng con biết mình và biết Chúa. Xin giúp chúng con tỉnh ngộ thân để nhận ra duyệt xét lại đời sống đức tin và hành vi thương xót nơi mỗi người trong chúng con trong cuộc sống nhất là từ khi chúng ta gia nhập gia đình của Chúa và Hội Thánh Người. Amen.
 
·        Công bố Lời Chúa (1Ga 4,7-16)
Lời Chúa trong thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ,
Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta. Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. ĐÓ LÀ LỜI CHÚA

o   Quản diễn Lời Chúa

Anh chị em thân mến,
Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu với con đường thơ ấu thiêng liêng theo Phúc âm đã vạch ra một cuộc sống thiêng liêng cho mình rằng: sống đơn sơ, phó thác và yêu mến như một trẻ thơ với Thiên Chúa là Cha nhân lành, để tập nên thánh và đem Chúa đến cho những ai chưa biết Chúa”.
Làm sao để sống đơn sơ, tín thác và yêu mến Thiên Chúa và thương xót tha nhân? Trước hết phải có đức tin và sống đức tin, tức là đức tin phải thể hiện ra hành động, mà hành động cụ thể nhất là yêu hay thương xót. Quả thật, tình yêu thương xót là căn nguyên mọi hoạt động của Thiên Chúa trên các vật thụ tạo... Thánh nữ Têrêxa nhận ra rằng: “Lòng thương xót là nguyên nhân công việc cứu chuộc của Chúa Kitô và tất cả chương trình quan phòng của Thiên Chúa”.
Cho nên, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người tín hữu phải để cho Mùa Chay của Năm Thánh này được sống cách mãnh liệt hơn, như là cao điểm để cử hành và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa cách đặc biệt đó mỗi Kitô hữu được cảm nghiệm lòng thương xót Chúa cách cá nhân (số 1). Vậy trong giờ tĩnh tâm này, trước hết chúng ta cùng nhau nhìn lại đức tin của mỗi người chúng ta đối với Chúa, thứ đến cảm nghiệm rằng đức tin sống nhờ có lòng thương xót nhau.

          1. Đức tin là gì?
Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng yêu thương con người. Nói cách khác, Đức tin là sự đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa (Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Mùa Chay 2013, số 1). Qủa thế, Thánh Gio-an tông đồ khẳng định: “Chúng ta đã biết và đã tin vào tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (1 Ga 4, 16). Vậy, chúng ta “là Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn mang tính đạo đức hay một ý tưởng cao đẹp, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định... Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (x.1Ga 4, 10), nên tình yêu không còn chỉ là một “mệnh lệnh” nữa, nhưng là lời đáp lại món quà tình yêu mà nhờ đó Thiên Chúa đến gần chúng ta” (Thông điệp Deus Caritas Est, số 1).
Sách Sáng Thế chương 15, 5-18 kể lại câu chuyện việc Thiên Chúa lập giao ước với tổ phụ Áp-ra-ham vì ông tin Chúa. Tổ phụ Áb-ra-ham đã tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, tin vào các lời Ngài hứa và tương lai mà Thiên Chúa hoạch định ra cho ông trong khi ông chưa có được gì cả. Chính thái độ tín thác hoàn toàn này khiến Ab-ra-ham thành mẫu gương và là cha của những người có lòng tin thuộc mọi thời đại. Tiếng Do thái “Aman” từ đó phát sinh ra tiếng Amen mà chúng ta thường dùng để kết thúc một lời nguyện là động từ "tin" nhưng nó có nghĩa gốc là cậy dựa trên, dựa vào. Như thế tin có nghĩa là chỉ cậy dựa vào hay tín thác vào Thiên Chúa và lời Thiên Chúa mà thôi. Tin là tín thác bước đi theo chương trình Thiên Chúa đề nghị với chúng ta. Một chương trình bí nhiệm khác với những gì chúng ta tưởng, nghĩ và mong ước. Tin có nghĩa là sẵn sàng ra khỏi môi trường sống đảm bảo, ra khỏi những thói quen, kiểu cách sống qui ước của loài người để đưa ra tay ra nắm chặt lấy bàn tay của Chúa để cho Ngài hướng dẫn và bước đi theo Ngài.
Khi nói đến việc theo Đạo, chúng ta dễ nghĩ ngay đến chuyện tôi theo một hệ tư tưởng, tôi chấp nhận hệ luân lý, lề luật của Đạo đó. Đối với Kitô Giáo không bao giờ theo Đạo chỉ là một hệ tư tưởng triết học cho dẫu sâu sắc, hệ luân lý hoàn chỉnh mà theo Đạo là tôi bước vào một giao ước với Thiên Chúa, có nghĩa là tôi bước vào đời sống Đức tin với Chúa trong yêu thương, tín thác và sẵn sàng thi hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Như vậy, có Đạo Công giáo là có đức tin sống động giữa ta với Thiên Chúa, gọi môn na là sống Đạo. Qủa thế, Đức tin dẫn chúng ta vào giao ước với Thiên Chúa. Giống như cuộc sống hôn nhân đòi hỏi quan trọng của giao ước là trung và tín thác. Ví dụ, một anh thanh niên có thể có 5-7 cô bồ nhưng khi thành hôn với một cô nào đó thì phải giữ lời cam kết giao ước là trung tín đến cùng: “Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe…”. Đời sống với Thiên Chúa cũng vậy, chúng ta được mời gọi trung tín với Thiên Chúa trong lúc bình an cũng như trong khốn khổ. Ab-ra-ham, Chúa bảo hãy nhìn lên bầu trời đếm sao, dòng dõi người sẽ đông đúc như thế, nhưng trong cuộc đời ông, vợ của ông thuộc hàng vô sinh đến nỗi bà Sara đề nghị ông ăn ở với một đứa tớ gái để kiếm được đứa con. Như khi ông có được đứa con trai duy nhất với bà Sara thì Chúa bảo hãy sát tế nó cho Thiên Chúa. Lời hứa của Chúa đâu? Ông ở trong tăm tối của Đức tin nhưng ông vẫn tín thác thực hiện theo ý Chúa cho nên ông xứng đáng cha của lòng tin. Các môn đệ trên núi Tabor, họ thấy vinh quang Chúa tỏ hiện như một ánh chớp. Sau đó vinh quang ấy tắt lịm rồi đến vườn cây Dầu nơi đó Thầy mình như một con người bình thường run rẩy sợ hãi đến nỗi toát mồ hôi máu. Rồi, Quan Philatô giới thiệu Chúa Giêsu cho toàn dân: “Đây là người, các ngươi nhìn coi con người này có đáng là người không?” Bởi vì bị đánh bơi tờ cả đêm đau còn hình tượng người ta nữa. Tiếp sau đó là đồi Gôngôtha Thầy bị treo lơ lững trên không gian bị người ta sỉ vả, nguyền rủa. Trong tăm tối của Đức tin, các tông đồ vẫn tín thác và theo Chúa đến cùng.  
Theo gương Thầy Chí Thánh của mình, dù trong tăm tối của đức tin, Thánh nữ Têrêxa vẫn tín thác theo Chúa và làm tông đồ cho Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu chào đời tại Pháp. Cha mẹ ngài rất đạo đức. Cha ngài (Louis) đã từng muốn làm thầy tu nhưng lại bị từ chối vì không biết tiếng La-tinh. Mẹ ngài là bà Zelie-Marie đã từng muốn làm nữ tu nhưng bị cho biết là bà không có ơn gọi. Gia đình của Thánh Têrêxa có chín anh chị em, nhưng chỉ có năm cô con gái là sống sót đến tuổi trưởng thành. Têrêxa là con út trong nhà. Mẹ Têrêxa chết vì bệnh ung thư khi ngài chỉ mới bốn tuổi. Têrêxa theo học tại Tu viện Notre Dame due Pre của dòng Bênêđictô. Khi người được chín tuổi, chị đầu Pauline, người đã đảm nhận vai trò là "người mẹ thứ hai" của cô, gia nhập một tu viện dòng Camêlô tại Lisieux. Têrêxa cũng muốn vào dòng Camêlô như chị, nhưng khổ nỗi vẫn còn nhỏ quá. Ở tuổi 15, sau khi chị thứ hai Marie cũng gia nhập tu viện ấy, Têrêxa lại thử xin vào dòng một lần nữa, nhưng cha bề trên của tu viện lại không cho vì Têrêxa còn quá trẻ. Cha Têrêxa đem cô con gái 15 tuổi của mình đi hành hương Rôma. Trong một buổi tiếp kiến chung với Giáo hoàng Leo XII, Têrêxa đã xin Người cho phép mình nhập dòng ở tuổi 15. Nhưng Giáo hoàng Leo XII lại nói: "Này con, hãy làm theo ý bề trên quyết định". Ít lâu sau, Giám mục Bayeux ra quyền cho bề trên dòng nhận Têrêxa. Tháng 4 năm 1888, Têrêxa trở thành một nữ tu dòng Camêlô. Một năm sau khi nhập dòng 1889 thì cha Têrêxa lên cơn đột quỵ qua đời.
Những thánh năm ở trong Dòng, Têrêxa chịu đựng một cách kiên trì biết bao nhiêu thử thách tinh thần cũng như thể xác nhưng không lời than thở. Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1896, Têrêxa bắt đầu ho ra máu. Căn bệnh lao phổi đã đi đến hồi nghiêm trọng. Tháng 7 năm 1897, Têrêxa được chuyển đến bệnh xá của tu viện, nơi người nữ tu trẻ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, ở tuổi 24. Vâng, đức tin của Thánh Têrêxa tăm tối đến từ tứ phí gia đình, đời sống tu trì, tâm hồn, thể xác nhưng ngài vững tin vào tình yêu thương xót của Chúa, tín thác vào Chúa và đi trọn hành trình đức tin bằng chính cuộc sống của ngài.
Còn chúng ta thì sao? Đức tin của chúng ta cũng tăm tối: tăm tối đến từ chính bản thân mình. Lúc mới theo Đạo sốt sắng lắm nhưng 5-10-20 năm sau việc sống Đạo của chúng ta trở nên lạnh nhạt, Đức tin của chúng ta yếu dần vì hoàn cảnh của cuộc sống: học hành, sự nghiệp, thành công, thất bại trong tình trường và thương trường, trong tu trì, hay là khỏe quá, giàu quá, bệnh tật nhiều quá, nghèo quá… Thêm vào đó, cái tăm tối đến cuộc sống bao phủ chúng ta: tệ nạn xã hội tràn lan, văn hóa vứt bỏ, văn hóa dững dưng hay bệnh vô cảm của xã hội làm chúng ta chẳng còn trước kính mến Chúa trên hết mọi sự sau lại thương người như mình ta nữa! Và lại nữa, thời đại hôm nay giá trị Tin mừng: yêu thương, hiền lành, bao dung, thương xót, tha thứ… bị người ta đóng đinh vào thập giá, phủ nhận chúng. Tôi có tín thác một cách tự do nơi một vì Thiên Chúa là Cha yêu thương tôi? Tôi có gắn bó với một Đấng trao ban cho tôi niềm hy vọng và sự tin tưởng? Tôi có ý thức được rằng chính Thiên Chúa đã tự tỏ lộ ra nơi Đức Kitô, đã cho thấy gương mặt thương xót của Người và thực sự sống gần gũi với tôi? Tôi đã sống thế nào với niềm tin rằng Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà tôi được sống. Tôi có thầm tín rằng không phải tôi đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương tôi, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho tôi (Ga 4,10)? Nếu tôi tin vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa, tôi đã thực sự đáp lại tình yêu thương xót đó bằng cách hãy để Chúa và Tin Mừng thương xót của Người hướng dẫn đời sống đức tin ta chưa?
Lòng thương xót Chúa luôn nâng đỡ chúng ta để chúng ta tín thác vào Chúa và bền đỗ theo Ngài đến cùng trong mọi hoàn cảnh. Hôm nay Thiên Chúa vẫn hằng nâng đỡ vì “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Vì vậy, hãy tín thác vào Chúa và nhờ lòng thương xót của Ngài, chúng ta sẽ lớn mạnh trong đức tin như Tổ phụ Áp-ra-ham, Đức Mẹ, Thánh Têrêxa... Một khi đức tin lớn mạnh, chúng ta đặt trọn đời mình trong tay Chúa với trọn niềm tin yêu cho dẫu cuộc sống chúng ta hạnh phúc, bình an hay khi gặp thử thách gian nan, đau khổ.
Tóm lại, tin là găp gỡ Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ tôi và ban cho tôi lời hứa của một tình yêu thương xót không thể phá hủy: hạnh phúc và sự sống đời đời. Tin là tín thác nơi Thiên Chúa với thái độ của một trẻ thơ, biết rõ rằng tất cả các khó khăn, các vấn đề của nó được yên hàn trong mẹ nó. Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta đầy các vấn đề và tình trạng: vui buồn sướng khổ có, đắng cay ngọt bùi cũng có… đôi khi còn đau khổ thê thảm, chúng ta phải năng chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa và Lời Chúa để Ngài ban ơn và giúp sống đúng Thánh ý của Ngài, vì “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27,1).

Hát: CHO CON VỮNG TIN

1. Con tưởng rằng con vững tin, tin vào Chúa là cha nhân hiền, khi đời sống nhẹ trôi êm đềm với tháng ngày lặng lẽ bình yên! Nhưng khi đường đời gieo nguy khó bên trời ngập tràn con giông tố con lo âu lạc bến xa bờ con mới Biết rằng con chưa vững tin!
ĐK: Thì lạy Chúa Chúa biết con yếu đuối và đổi thay con luôn cần đến Chúa từng phút giây! Nhờ ơn Chúa con kiên trì tín thác kể từ đây khi an vui cũng như khi sầu đầy!
2. Con tưởng rằng con vững tin tin vào Chúa là Cha quan phòng khi cuộc sống toàn những hoa hồng khắp đất trời là cả mùa xuần! Nhưng khi chạm phải gai tê buốt khi trời vừa lập đông băng tuyết con than van thầm trách trong lòng con mới biết niềm tin con rỗng không!
3. Con tưởng rằng con vững tin trên đỉnh núi nhìn Chúa biến hình! Ôi hạnh phúc thật ở bên mình! Quyết sẵn sàng theo chúa ngày đêm! Nhưng khi được gởi trao thánh giá con sợ mà đành tâm bỏ Chúa con quay lưng từ chối ân tình con mới biết niềm tin con bấp bênh!

2. Đức Tin sống nhờ có lòng thương xót

Lời Chúa dạy rằng: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,7-10). Qủa thế, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Thiên Chúa tuôn đổ lòng thương xót vô bờ bến của Ngài, đến độ biến Người thành “Lòng Thương Xót nhập thể”. Vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh” (số 2). Thật vậy, trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, từ lúc chào đời cho đến chết và phục sinh, được gồm tóm trong hành động THƯƠNG XÓT. Thứ nhất, vì thương xót, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương xót, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha (Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài còn mạc khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga 3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, vì thương xót, Ngôi Hai Thiên Chúa đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga 5,20-27). Thứ tư, vì thương xót, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập giá để cho mọi người được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3). Cuối cùng, vì thương xót, Chúa Giêsu được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống dồi dào ngay đời này và hạnh phúc vĩnh hằng với Thiên Chúa đời sau (Rm 6,4). Tình yêu thương xót của Thiên Chúa là thế đó! Vì vậy, Thánh Gio-an tông đồ nói: “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).  
Trong Sứ Điệp Mùa Chay Năm Đức Tin 2012, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI nói: “Toàn bộ đời sống Kitô hữu là một lời đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Lời đáp đầu tiên chính là đức Tin, như sự đón nhận –đầy ngỡ ngàng và biết ơn– sáng kiến chưa từng thấy của Thiên Chúa, vốn vượt trên chúng ta và chất vấn chúng ta. Và lời thưa “vâng” của Đức Tin đánh dấu khởi đầu một câu chuyện sáng ngời về tình bằng hữu với Chúa, sẽ lấp đầy và đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho toàn thể cuộc đời chúng ta. Nhưng Thiên Chúa chưa thỏa mãn với việc chúng ta chỉ đón nhận tình yêu nhưng không của Ngài. Ngài không chỉ yêu thương chúng ta, nhưng còn muốn kéo chúng ta đến với Ngài, biến đổi chúng ta một cách sâu xa đến nỗi chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2, 20).
Có nghĩa là Thiên Chúa   làm cho tình yêu của chúng ta trở nên sống động, nồng cháy, làm cho đức tin sống động nhờ có lòng thương xót mọi người như Chúa thương xót ta. Cho nên, Thánh Giacôbê dạy chí lý rằng: ““Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Hành động của đức tin là gì? Là tình yêu thương xót tha nhân, vì chưng Thánh Phaolô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,1-3.13). Cho nên, Đức Thánh Cha Phaxicô nói rằng: “Chúng ta hãy nghe Lời của Chúa Giê-su, Đấng đã làm cho Lòng Thương Xót trở thành một lý tưởng sống cũng như trở thành tiêu chuẩn cho sự chính xác nơi việc làm chứng của Đức Tin chúng ta: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, số 9).
Vì vậy, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta rằng lòng thương xót của Thiên Chúa được lan tỏa nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta, khi thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân bằng những công việc thương xót thể xác và tinh thần. Chúng nhắc cho chúng ta rằng đức tin của chúng ta được thể hiện bằng những hành vi cụ thể và thường nhật, nhằm giúp đỡ tha nhân của chúng ta về mặt thể xác và tinh thần: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, chuộc kẻ làm tôi, lấy lời lành mà khuyên người, dậy dỗ kẻ mu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết” (số 3). Vì sao tôi phải thương người như thế? Đức Giáo Hoàng trả lời: “Họ là hiện thân của Chúa Giê-su. Chúng ta không thể lẩn tránh khỏi những Lời của Thiên Chúa, mà sẽ có ngày chúng ta sẽ bị kết án dựa trên những Lời đó: Chúng ta có cho những con người đang đói cái gì đó để họ ăn, và chúng ta có trao nước cho những người đang khát để họ uống không? Chúng ta có đón tiếp những người khách lạ vào nhà cũng như có trao quần áo cho những người ăn mặc rách rưới để họ mặc không? Chúng ta có dành thời gian để thăm viếng các bệnh nhân cũng như các tù nhân không? (xc. Mt 25,31-45). Giống hệt như thế, chúng ta cũng sẽ bị tra vấn về việc chúng ta có giúp đỡ người khác để họ vượt qua những nỗi nghi nan hay không, mà những nỗi nghi an ấy có thể khơi lên nỗi sợ hãi cũng như thường gây ra nỗi cô đơn? Chúng ta có khả năng chiến thắng sự thiếu hiểu biết mà hàng triệu người đang sống trong đó, đặc biệt là các em nhỏ, chúng đang thiếu những trợ giúp cần thiết để có thể thoát ra khỏi sự nghèo đói hay không? Chúng ta có đến gần với những con người mà họ đang bị cô đơn và đang bị phiền não hay không? Chúng ta có tha thứ cho những người mà họ đã xúc phạm đến chúng ta không? Chúng ta có khước từ bất cứ mọi hình thức oán hận và căm thù nào mà chúng thường dẫn tới bạo lực hay không? Chúng ta có kiên nhẫn theo gương của Chúa, Đấng luôn rất kiên nhẫn với chúng ta không? Và sau cùng, chúng ta có trao phó những người anh em và những người chị em của chúng ta cho Chúa trong lời cầu nguyện không? Chúa Ki-tô đang hiện diện trong bất cứ một con người nào trong số “những người nhỏ bé nhất” ấy. Thân xác của Ngài đang tái trở nên rõ ràng trong bất cứ thân xác nào đang bị hành hạ, đang bị gây tổn thương, đang bị đánh đập, đang bị thiếu dinh dưỡng và đang bị ép buộc phải trốn chạy…, để chúng ta nhận ra Ngài, đụng chạm được tới Ngài và giúp đỡ Ngài một cách chu đáo” (Tông Sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót số 15§3).
 Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Mùa Chay của Năm Thánh này là một thời gian thuận lợi cho phép đi ra khỏi sự tha hóa cuộc sống của chúng ta nhờ việc lắng nghe Lời Chúa và nhờ các công việc của lòng thương xót. Nếu xuyên qua những công việc thân xác chúng ta chạm đến thân xác của Chúa Kitô nơi các anh chị em của chúng ta chạm đến cách trực tiếp hơn thân phận tội lỗi của chúng ta” (sứ điệp Mùa Chay 2016, số 3).
Hôm nay, chúng ta quy tụ đây có Chúa hiện diện và nói với mỗi người chúng ta như nói với các Tông Đồ ngày xưa sau khi sống lại rằng: “Bình an cho các con, như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,22). Vâng, hôm nay, Chúa Giêsu sai chúng ta ra đi đem Tin Mừng thương xót cho mọi người nghèo xã hội: nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe do ốm đau bệnh tật, nghèo tiếng nói vì bị xã hội loại bỏ, nghèo tình thương xót bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam, nghèo niềm tin vì chưa biết Chúa, nghèo đức hạnh và thánh thiện do tội lỗi, và nghèo bác ái do tham sân si nên áp bức bót lột người khác, nghèo lòng bao dung vì thiếu sự thứ tha, và nghèo tình cha nghĩa mẹ vì sinh ra cõi đời này đã không có cha có mẹ. Cho nên, Trong Kinh Năm Thánh chúng xin rằng: “Xin sai Thần Khí Chúa đến xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con; và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới, có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo”. Vâng, ước gì trong đời sống hằng ngày của mỗi người chúng ta luôn thi thố lòng thương xót bằng việc thi hành thương xác và linh hồn tha nhân như Lời Chúa dạy. Đừng để: “Khi tôi lầm lỡ, mới biết sớt chia với người lỡ lầm. Khi tôi nghèo đói, tôi sẽ hiểu nỗi đau người lầm than. Khi tôi gian nan mới biết sớt chia với người khốn cùng. Khi tôi đau khổ, đời tôi mới biết cảm thông. Lúc đó mình quá hững hờ rồi anh chị em ạ! Rồi “Khi tôi buồn chán mới biết nỗi đau nơi người thất vọng. Khi tôi mù lòa tôi sẽ hiểu bóng đêm và sợ hãi. Khi tôi cô đơn, mới biết xót xa với người cô quạnh. Khi tôi khát vọng, đời tôi thấm nỗi trầm luân”. Lúc đó mình quá hững hờ rồi anh chị em ạ! Hay là “Khi tôi quỵ ngã mới biết đỡ nâng những người xa đọa. Khi tôi oà khóc tôi sẽ hiểu nước mắt sao buồn quá. Khi tôi lang thang mới biết đắng cay với người không nhà. Khi tôi đơn độc thì thương ai mất mẹ cha. Như vậy thì khi mình khỏe mạnh, giàu có mình chưa thương xót những người như Chúa hằng thương xót ta. Cho nên, giờ đây trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này chúng ta hãy xin Chúa rằng: “Lạy Chúa ban yêu thương vào trái tim con. Đã bao lần con đây hờ hững. Lạy Chúa dạy con yêu thương, dạy con yêu thương. Cho hòa bình sáng ngời muôn nơi.
Ước gì với tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót, xin cho mỗi người chúng ta hãy bung mình ra, hãy giơ tay ra, hãy mở miệng ra để yêu thương, tha thứ và giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần những người nghèo trong xã hội chúng ta đang sống. Đó sẽ là dấu chỉ Lòng Thương Xót rõ ràng nhất trong xã hội nhờ đó mọi người nhìn ra Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót nhất, và cũng nhờ đức mà Đức tin ta sống mãi cho đến ngày Chúa Giêsu Kitô ngự đến mà nói với chúng ta rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han" (Mt 25,34-36).

Hát: CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

1.  Lạy Chúa! Ngài giàu lòng xót thương, xin ban ơn phù giúp con đêm ngày. Lạy Chúa! Ngài rộng lòng thứ tha, xin rộng ban tình yêu và tha thứ, ban cho con đầy hồng ân chan chứa, xin cho con luôn say men tình Chúa. Chúa yêu con người, chết treo thập hình, để cứu độ trần gian.
ĐK: LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA NGÀI ĐẾN CHÚNG CON, DÌU CON ĐẾN TẬN NGUỒN CỦA THÁNH ÂN, ĐỂ CON ĐI LOAN TIN MỪNG CHÚA. VÒNG TAY CHÚA NGÀI RỘNG MỞ THỨ THA, ĐỂ ÔM LẤY CẢ TỘI LỖI CHÚNG CON, TRÁI TIM NGƯỜI BAN PHÁT NGUỒN TÌNH YÊU.
2. Lạy Chúa! Ngài dạy con hãy đi, loan Tin Vui của Chúa đến muôn người. Lạy Chúa! Ngài dạy hãy thứ tha, xin tha cho những kẻ làm ân oán, ban cho con rộng lòng đầy nhân ái, luôn yêu thương mọi người là con Chúa. Giống như cha hiền, ngóng trông con về, để đón mừng người con.
3. Lạy Chúa! Ngài là nguồn suối ân, ban ơn thiêng của Chúa đến gian trần. Lạy Chúa! Ngài bảo con bước theo, loan Tin Vui của Ngài cho thế giới, đem yêu thương ngập tràn muôn khắp chốn, reo hân hoan vào lòng người đau khổ. Để đem Tin Mừng, Phúc Âm của Ngài, để đón nhận hồng ân.
4.Lạy Chúa! Ngài đã từng rửa chân, xin cho con hãy biết luôn khiêm nhường. Lạy Chúa! Ngài đã từng bảo ban, đem ủi an những người đang khốn khó, chia cho nhau những hạt cơm manh áo, luôn cho đi những gì mình đang có. Để cho mọi người, biết nhận được rằng: Đó chính là TÌNH YÊU.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét