SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CHÚA XÓT THƯƠNG
Trong suốt Mùa Chay, Lời Chúa luôn gọi mời chúng ta SÁM HỐI. Nhưng sám hối
là gì? Sám hối thế nào? Sám hối để làm gì? Tại sao ta phải sám hối? Cựu ước có 2 động từ Hipri được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: Thứ nhất, động từ Shuv, có nghĩa là quay trở lại hay thay đổi đường đi, trở
về. Vì
dụ, “Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước
sẽ trở lại cùng Ngài” (Tv 51,15). Thứ hai, động từ
Nicham, có nghĩa là cảm thấy hối hận vì những việc sai trái mình đã làm. Ví dụ,
“Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than
van" (Ge 2,12). Còn Tân Ước dùng 3 từ Hy Lạp
được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: Thứ nhất, động từ
Metamelomai có nghĩa chỉ sự thay đổi tư tưởng, có ý hối tiếc hay thậm
chí hối hận vì tội, nhưng không nhất thiết có sự
thay đổi nội tâm. Chẳng hạn, sự hối hận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận” (Mt 27,3). Thứ hai, động từ Metanoeo có
nghĩa chỉ sự thay đổi tư tưởng và chủ đích do kết quả của việc nhận thức. “Còn người thu thuế thì đứng
đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa
thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13). Thứ ba, danh từ
Metanoia có nghĩa chỉ sự sám hối thực sự, một sự thay đổi tư tưởng, chủ đích và
đặc biệt phải sống theo những đòi hỏi của việc xá tội. “Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn
lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại
nhà ông! " Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi
người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! " Ông Da-kêu
đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi
cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của
ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,5-9).
Tóm lại, theo Thánh Kinh, sám
hối trước hết sự nhận biết
đích thực về hành vi và tình trạng phạm tội của chính mình. Kế đến là nhận
thức về lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức
Giêsu Kitô. Tiếp đến nữa là thật lòng ghét bỏ mọi tội lỗi và quay về với Chúa trong đức
tin, cậy, mến nhờ ơn Chúa giúp và tình thương tha thứ của Thiên
Chúa. Và cuối cùng là kiên trì cố gắng theo đuổi một cuộc sống thánh thiện theo
đường lối Chúa bằng cách tuân giữ các giới răn của Chúa.
Qủa thế, bài đọc I mô tả Thiên Chúa hiện ra với ông Môsê - từ bụi gai bốc
cháy. Thiên Chúa nói: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên
Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi
đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa
chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật”
(Xh 3,7-8). Rõ ràng Lời Chúa trên đã diễn tả tâm tình, khuôn mặt của
Ngài, đó là khuôn mặt vị Thiên Chúa đầy lòng thương xót, cứu độ giải thoát: Thiên Chúa sai Môsê - đi gặp Pharaon… đưa dân ra khỏi Aicập. Như vậy, Thiên Chúa thực hiện cuộc giải phóng: chính trị, kinh tế.
Chúa Giêsu đến có tiếp tục như vậy không? Đất nước
của Ngài cũng bị ách thống trị Rôma. Xã hội xuất hiện nhiều phong trào yêu nước, có nhiều nhóm nhiệt thành. Người ta chủ trương dùng bạo vực
vũ khí để đòi quyền tự do cho Palestine. Chính vì thế, khi làm tổng trấn cho Rôma tại
Giêrusalem, ông Philatô ra lệnh đàn áp những người Do thái nổi dậy nên có những người Galilê bị chết trên đường đi hành
hương. Cho
nên, người ta đem những câu chuyện đó kể cho Chúa Giêsu trong trang Tin Mừng
chúng ta vừa nghe. Chúa Giêsu nói "Các
ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người
Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các
ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Chúa Giêsu không muốn nhấn mạnh đến cuộc giải phóng về mặt kinh tế, chính
trị nhưng chiều sâu là mặt tinh thần, thiêng liêng, cách mạng nội tâm, đó là sám hối.
Qủa thế, khi đến trần
gian, với ánh mắt đầy yêu thương, Chúa Giêsu,đã giải thoát ông Zakêu và
thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền; làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh
Mađalêna không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo; cho thánh Phêrô khóc lóc ăn
năn sau khi chối Chúa, và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải (Kinh
Năm Thánh).
Đối với Kitô hữu, Thiên Chúa là cứu cánh tối
hậu, là Thiện hảo, là Sự sống, là Hạnh phúc thật của con người. Và tội là bất tuân lề luật Chúa; (2) Là quay lưng chống lại Thiên Chúa, lấy thụ tạo
làm cứu cánh; (3) Là khước từ tình yêu thương xót của Thiên Chúa và do đó cũng là khước từ tình yêu thương xót anh em. Vậy, khi ta hướng nhìn về Chúa giàu lòng thương xót và hay tha thứ để nhận ra tội lỗi của mình, ta sẽ có thể thấy
hết tầm mức ghê tởm của tội lỗi nhưng đồng thời biết sám hối ăn năn, thay vì tự
dày vò mình trong mặc cảm tội lỗi không lối thoát. Ước gì Lời Chúa hôm nay, xin Chúa giúp sức cho mỗi người chúng ta trong
Mùa Chay thánh này biết sám hối trở về với Chúa thật lòng và việc siêng năng chạy
đến với Bí Tích Hòa Giải để được Chúa xót thương. Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét