XIN MẸ DẠY CON HAI TIẾNG XIN VÂNG
Lời Chúa:
2 Sm 7,1-5, 8b-12,14a,16;
Rm 16,25-27; Lc 1,26-38
Trong bài hát “Xin Vâng”, Linh mục nhạc sĩ Mi Trầm viết
rằng: “Mẹ ơi! Ðời con
dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin
vâng. Mẹ ơi! Ðường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó. Xin
Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Xin vâng. Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm qua
hôm nay và ngày mai. Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm nay tương lai
và suốt đời”. Tại sao phải xin Mẹ dạy cho mình hai tiếng xin vâng? Chúng ta
cũng thường thưa xin vâng hằng ngày đối với cha, mẹ, thầy cô, Linh mục và với
Chúa mà. Thế thì lời thưa xin vâng của chúng ta với Đức Mẹ khác nhau chỗ nào?
Nếu hôm nay Chúa hiện ra và bảo mỗi người
trong quí ông bà anh chị em đây rằng: “Này con, con làm kỹ sư nhé!”. Anh chị em
liền thưa: “Xin vâng”. Và “Này con, con hãy làm linh mục!” Anh em liền thưa:
“Xin vâng.” Rồi, “Này con, con làm bà Soeur nhé!”, Chị em không một chút do dự
thưa: “Xin vâng”. Rồi, Chúa cũng bảo: “Này con, con hãy đi đến vùng có dịch
Ebola để chữa trị cho ta!” Anh chị em do dự trả lời: “Từ từ để con coi lại
đã!”. Như vậy, rõ ràng hai tiếng “xin
vâng” ấy là vâng có điều kiện, có nghĩa vụ và nhất là có lợi thuộc về tôi nhiều
hơn. Hai tiếng “xin vâng” của Mẹ hôm nay thì khác. Qua hai tiếng ấy, Mẹ đặt mối
quan hệ của mình và Thiên Chúa trong mối quan hệ thấp cao: Mẹ chỉ là nữ tỳ, còn
Thiên Chúa là Đấng Tối Cao. Vì vậy, Mẹ xin vâng không điều kiện, không mặc cả,
không tìm tư lợi cho mình. Cho nên, Mẹ sẵn sàng trao toàn thân để Chúa có thể
làm bất cứ điều gì nếu Chúa muốn dù có đau thương Mẹ vẫn một lòng trung tín với
Chúa.
- “Này tôi
là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Một lời xin vâng quyết
liệt, đã xoay chuyển toàn bộ cuộc đời của Mẹ. Chỉ ít lâu sau lời xin vâng này,
Mẹ đã gặp không ít khó khăn và đau khổ. Trước hết là trước thái độ nghi ngờ của
thánh Giuse khi thấy Mẹ mang thai.
Rồi trong lúc bụng mang dạ chửa, Đức Mẹ cùng với Thánh Giuse lặn lội gieo neo
đi xuống Bêlem để đăng ký nhân hộ khẩu và rồi sinh con trong cảnh nghèo túng
của máng cỏ đêm đông. Rồi đến Mẹ phải lặn lội đem con trốn sang Ai-cập. Và rồi
Mẹ đã theo Chúa trên đường lên núi Sọ. Mẹ đã chứng kiến cảnh tượng quân lính
đóng đanh Chúa, nhìn Con yêu chết đau đớn. Mẹ đã đứng lặng dưới chân cậy thập
giá để chứng tỏ rằng Mẹ luôn kết hiệp và chia sẻ với Chúa. Và như vậy Mẹ đã đi
cho tới tận cùng lời xin vâng của mình. Từng giây từng phút và trong từng biến
cố suốt cả cuộc đời, Mẹ không ngừng xin vâng trước ý định muôn thuở của Thiên
Chúa và thực hiện một cách trọn vẹn ý định thánh thiện ấy ngang qua thập giá. Mẹ luôn kết hiệp với Chúa và chia sẻ những khổ
đau Chúa phải chịu bằng lời xin vâng, dù gặp phải những hoàn cảnh đen tối và
đau đớn nhất. Như vậy, lời thưa xin vâng của Mẹ đồng thời cũng là hành động
dâng hiến, phó thác, tin tưởng và trung tín với Chúa, cho Chúa, vì Chúa và tha
nhân không một tính toán, không một vụ lợi và không một lời oán trách khi gặp
khó khăn. Cho nên, Chân Phước mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Nếu có gì thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền
sử dụng nhưng tôi thuộc về Chúa, nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn”.
Lời “xin vâng” của Mẹ Ma-ri-a vẫn được lặp lại trong đời
sống Kitô hữu mỗi ngày. “Xin vâng” với ý thức là hiến toàn thân cho Chúa qua
việc sám hối ăn năn tội và sống Lời Chúa, đồng thời hiệp thông với Ngài mọi
biến cố trong cuộc sống ngang qua thập giá của Chúa Kitô. Vậy chúng ta học
gương Mẹ, thưa xin vâng với Chúa qua việc sám hối, hy sinh hãm mình và làm việc
lành phúc đức trong Mùa Vọng này để được Chúa Giêsu giáng sinh nơi cung lòng
chúng ta.
Vì vậy, hôm
nay Mẹ dạy ta hai tiếng xin vâng là hãy can đảm thi hành lời mời gọi của Tin
Mừng đó là: “xin vâng” trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, trước bệnh hoạn hay
khuyết tật, đói nghèo hay đau khổ để cùng với Chúa ta vẫn bình an thanh thản và
tiếp tục công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đặc biệt trong năm Đời Sống Thánh
Hiến và Phúc Âm hóa giáo xứ hay cộng đoàn, là bậc tu trì hay giáo dân chúng ta
hãy thưa “xin vâng” trước những đòi hỏi: hy sinh, tha thứ, từ bỏ những tính hư
tật xấu để giữ tâm hồn trong sạch và sống công chính. Là tu sĩ, giáo sĩ hay
giáo dân hãy thưa “xin vâng” với Chúa trước những bổn phận và trách nhiệm phải
cúi xuống để rửa chân cho chị anh em qua việc yêu thương chăm sóc những người
tội lỗi, nghèo khổ, bệnh nhân hay người khuyết tật. Cho nên, trong Tông thư gửi tất cả Các người Tận hiến
nhân dịp Năm Đời sống thánh
hiến năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Tôi yêu cầu tất cả mọi thành phần của Giáo
hội: ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời. Cả một nhân
loại đang chờ đợi: những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó
khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những
người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng
trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh...
Anh chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những
chuyện lẩm cẩn trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Những vấn
đề này sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra ngoài để giúp những người khác
giải quyết những vấn đề của họ và loan báo Tin mừng. Anh chị em sẽ tìm thấy sự
sống khi trao ban sự sống, tìm thấy hy vọng khi trao ban hy vọng, tìm thấy tình
thương bằng cách yêu thương” (phần II, số 4).
Lạy Mẹ
Maria! Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết noi gương bắt chước Mẹ nói lời “xin
vâng” trong suốt cuộc lữ hành trần thế này. Xin Mẹ cho con biết mở lòng và cộng
tác với Ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng
con. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét