Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 1. LỊCH SỬ
          Từ thế kỷ thứ VIII, bên Giáo hội Đông Phương đã mừng lễ “Thánh Anna thụ thai, mẹ của Theotokos (Mẹ Thiên Chúa)” vào ngày 9 tháng 12 hàng năm. Ý nghĩa lễ này dựa vào Ngụy Thư  “Tiền Tin Mừng của thánh Giacôbê”. Bà Anna sau một thời gian dài son sẻ đã được thiên thần báo tin thụ thai như dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa.  Ý lễ được lan qua Tây phương nhất là tại Ý, Á Nhĩ Lan và Anh, thành lễ “Đức Maria thụ thai”. Tại thành Naples (Ý) vào thế kỷ thứ IX, ngày lễ được khắc vào lịch bằng đá hoa cương. Và năm 1050, Đức Giáo Hoàng Léon IX  huấn dụ các tín hữu mừng kính Đức Trinh nữ thụ thai như Giáo Hội Đông phương đã làm.
Cho đến thế kỷ thứ XII, những vị thánh như Albert Cả, Bonaventura, Tôma d’Aquin cũng cho rằng vì Đức Maria thừa kế di nghiệp Ađam nên vướng mắc nguyên tội, nhưng Mẹ được thánh hóa ngay từ trong thai mẫu.

Tuy vậy, vấn đề vẫn còn gây tranh cãi cho đến thế kỷ XIII. Một thần học gia lỗi lạc dòng Phanxicô là Duns Scott (1308) đã nghĩ ra một lối giải thích độc đáo bênh vực Đức Maria đã được sung mãn ân sủng ngay từ giây phút đầu tiên cuộc đời. Tác giả minh chứng đặc ân vô nhiễm tuyệt đối gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tội lỗi kể cả nguyên tội không hề đi trệch ra ngoài trật tự ơn cứu chuộc, mà còn là thành quả vinh quang nhất trong công trình cứu độ của Chúa Kitô.
Đến thời Công Đồng họp tại thành Bâle (Thụy sĩ) năm 1439 cũng đồng ý về vấn đề Đức Maria Vô Nhiễm, và mãi tới thời Đức Giáo Hoàng Piô IX, mới công bố ý tưởng Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội thành tín điều vào ngày 8 tháng 12 năm 1854. Cũng trong ngày hôm nay, Đức Giáo hoàng Piô IX, sau khi tham khảo ý kiến các Giám mục trên khắp thế giới, đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bằng Thông Điệp “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa Khôn Tả), trong đó Ngài tuyên bố: “Ta tuyên xưng, công bố xác quyết rằng tín điều này đã được Thiên Chúa mặc khải thế phải được mọi tín hữu tin nhận cách chắc chắn, không được rút lại. Cụ thể, tín điều này xác quyết rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thainhờ ân ban đặc sủng song Thiên Chúa toàn năng ban cho nhờ công trạng của Đức Giêsu Kitôđã được gìn giữ khỏi mọi vương vấn nguyên tội.
          Có lẽ Đức Mẹ muốn củng cố cho tín điều mà Đức Giáo hoàng Piô IX mới tuyên bố, thì ngày 11/02/1858 Đức Mẹ đã hiện ra tại hang đá Massabielle ở Lộ Đức với một thiếu nữ 14 tuổi quê mùa dốt nát hay đau yếu nhưng đơn sơ trong trắng tên là Bernadette. Sau khi Bernadette hỏi bà là ai thì Đức Mẹ chắp tay trước ngực, ngước mắt lên trời mỉm cười đáp: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.  Đây là tín điều mà Đức Giáo hoàng Piô IX đã long trọng công bố trước đó gần 4 năm.
2. SUY NIỆM              ƠN VÔ NHIỄM
Trong lớp học giáo lý, giảng viên hỏi: Trong loài người chúng ta, trước Đức Mẹ Maria, ai là người được đặc ân vô nhiễm nguyên tội? Có em bảo: Thánh Giuse, có em khác nói : Gioan Tẩy Giả, em khác nữa nói: tiên tri Elia vì chết được rước lên trời ngay. Cuối cùng một em nói: Ông Ađam và ba Evà. Cả lớp cười ồ. Tại sao? Các em giải  thích: Vì trước khi phạm tội, Ađam Evà là người được đặc ân vô nhiễm nguyên tội.
Vâng, câu trả lời thật xác đáng. Thiên Chúa muốn cho mọi người được ơn vô nhiễm nguyên tội. Ơn đó được ban trước tiên cho Adam Evà là cố ý cho mọi người, không trừ ai. Qủa thế, Thánh Phaolô xác quyết rằng: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4).
Vậy, vô nhiễm nguyên tội nghĩa là gì? Đâu là nội dung của đặc ân đó. Vô nhiễm nguyên tội trước tiên là nghe được tiếng Chúa, nghe được Lời Chúa với tâm hồn chưa bị dục vọng quấy phá, nghe được tiếng Chúa và lập tức thi hành. Thứ đến là hiệp thông với Thiên Chúa. Như vậy, nguyên tổ của chúng ta được đặc ân ấy. Rõ ràng Sách Sáng thế kể: “Chiều chiều Thiên Chúa đi dạo và chuyện vãn với hai ông bà” (St 3,8). Nhưng nguyên tổ đã không nghe Lời Chúa và không đi vào hiệp thông với Chúa nữa vì phạm tội (ST 3,1-24).
Nếu vườn địa đàng là khung cảnh của ơn vô nhiễm nguyên tội đầu tiên, rồi bị đánh mất thì căn nhà Na-da-rét là vườn địa đàng thứ hai, Đức Maria nhận lại ơn vô nhiễm ấy nhờ nghe Lờiđáp lại Lời, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Rõ ràng, Mẹ Maria vừa nói lên nội dung của ơn vô nhiễm nguyên tội, vừa đại diện cho thế hệ vô nhiễm nguyên tội mới hoàn toàn thuận theo Lời Chúa nhờ công nghiệp của Đức Kitô. Và nếu trước đây Ađam và Evà sống hiệp thông với Thiên Chúa bằng cách đi bên cạnh Ngài, thì giờ đây, Lời là Thiên Chúa hóa thành nhục thể và đi thẳng vào trong cung lòng Mẹ Maria. Vì vậy, nghe Lờihiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa đối với Mẹ Maria giờ đây chỉ là một.
Trong mỗi thánh lễ, chúng ta lắng nghe Lời Chúa và như Đức Maria chúng ta đón nhận Ngôi Lời nhập thể, thì nay chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, là chính Chúa Giêsu. Vậy, sống đặc ân vô nhiễm nguyên tội là sống trọn vẹn thánh lễ và kéo dài thánh lễ suốt ngày, suốt đời, kể cả mai sau trên thiên đàng.Vấn đề là chúng ta có thực sự nghe Lời Chúa như Đức Mẹ không, chúng ta có đi vào hiệp thông như Đức Mẹ không?

3.CẦU NGUYỆN
Lạy Mẹ Maria, Mẹ vô nhiễm nguyên tội vì Mẹ luôn lắng nghe Lời Chúa và kết hiệp sâu xa với Chúa, chúng con là những người ô nhiễm muôn tội vì chúng con thường từ chối Lời Ngài, hay nghe mà chẳng thi hành Lời Chúa. Xin giúp chúng con sống như Mẹ mỗi ngày bằng việc siêng năng đọc Lời Chúa, sống Lời Chúa để tâm hồn được trong sạch hầu được kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể luôn. Amen.

                     Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét