CHUYỆN ĐỜI TÔI
“Sự hy sinh thầm lặng
của người Mẹ, lời dặn dò của người Cha là động lực giúp tôi vượt lên chính mình
với quyết tâm: “Có thể thua kém mọi người đôi chân, nhưng không vì thế mà thua
kém về trí tuệ, khối óc và con tim…”.
“Không
ai có quyền chọn cho mình một số phận, cũng không ai muốn mình sinh ra mà không
được trọn vẹn như bao người…”
Thời ấy, Cha vắng nhà, một mình Mẹ
lam lũ nuôi 5 anh chị em. Tôi sinh ra là
một cô bé bình thường và được chạy nhảy nô đùa như bao đứa trẻ khác. Cuộc sống
gia đình đã khó lại càng khó hơn. Khi lên 7 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã ập
đến và từ đó tôi vĩnh viễn không đi lại được bằng đôi chân. Bao nhiêu tiền bạc
công sức, mồ hôi lẫn nước mắt của người Mẹ đều đổ dồn vào hết cho đứa con tật
nguyền này. Thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, tôi cũng đòi mẹ cho
đến lớp nhưng vì cơm áo gạo tiền nên đôi lúc mẹ quên mất điều tôi ước muốn, vậy
tôi đành ngồi một chỗ mà học ké với anh chị em.
Cha trở về, ước mơ cháy bỏng được đến trường
của tôi đã thành hiện thực. Thuở ấy, với đôi nạng trên tay, những tháng ngày
cắp sách đến trường, lẽ ra phải là những ngày tháng hồn nhiên, vui vẻ, đầy vô
tư và trong sáng thì với tôi quả thật là vô cùng gian nan chứa đầy nước mắt,
tất cả bạn bè đều xa lánh và tôi vô tình trở thành mục tiêu để tụi nó chọc
ghẹo. Nhìn xung quanh chẳng có ai giống như mình. Tôi vô cùng buồn chán và tủi
thân, chỉ biết khóc mà thôi. Sự buồn tủi, mặc cảm và tuyệt vọng đã khiến tôi như
mất hết niềm tin. Ý nghĩ trong đầu lúc ấy chẳng muốn đi học một chút nào. Cứ
ngồi ru rú một mình trong lớp, chẳng ai thèm chơi với mình. Bực bội vì bệnh
tật, căm tức vì không được chạy nhảy như tụi bạn, tôi như người “tàn phế”, chán
nản vô cùng, nhưng nhờ sự an ủi của gia đình, những động viên của thầy cô đã
tiếp sức cho tôi quyết tâm phải học thật giỏi. Khi ấy, nghĩ đơn giản là mình
phải học thật giỏi để “trả thù” tụi bạn. Tôi đã cố gắng và nỗ lực hết sức vào
việc học. Nhờ kết quả học tập của tôi, bạn bè đã thay đổi cách cư xử, kỳ thị đối
với tôi. Từ đó tôi cảm thấy vui và tự tin hơn.
Em gái chở đi học bằng chiếc xe đạp ngày ấy
Tủ bánh mỳ khi xưa đã nuôi sống tôi
Rồi thời gian
nặng nề ấy cũng trôi đi, với hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Cha với căn bệnh
triền miên, Mẹ lại vất vả đêm ngày. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, ban
ngày tôi đặt một tủ bánh mì nhỏ bên lề đường để bán, buổi tối học bài xong,
tranh thủ đan và móc áo len….. cứ thế cuộc sống bươn chải cũng trôi qua cho đến
ngày Cha tôi qua đời. Cha mất, với tôi như mất đi một phần trong cuộc sống.
Những lời dặn dò quí báu của người Cha trước lúc lâm chung, mà tôi luôn nhớ mãi
trong trí óc và nó cũng là động lực giúp tôi có thêm nghị lực để vượt lên trên
tất cả những khó khăn của đường đời: “Dù đôi chân tật nguyền nhưng trong tư tưởng
phải luôn lành lặn. Có như vậy con mới vượt lên thành người có ích. Cha tin là
con sẽ vượt qua tất cả. Con sẽ thành công…”. Từ lời dạy ấy, tôi đã đặt
ra cho mình phương châm sống: “Dù có thể
thua kém mọi người đôi chân, nhưng không thể vì thế mà thua kém về trí tuệ,
khối óc và con tim”. Với quyết tâm đó, cùng sự hy sinh thầm lặng của người
Mẹ là động lực giúp tôi vượt qua cho đến ngày hôm nay.
Bất cứ lúc nào cũng đan và móc áo len để kiếm tiền( lúc đang nằm viện)
Tôi lao vào tìm
niềm vui bên đèn sách và công việc. Tuổi mộng mơ của thời con gái cũng lặng lẽ
trôi đi lúc nào mà tôi không hề hay biết…. Khi đã là bà chủ Bánh mỳ Thanh Thu và phát triển lan rộng nay đổi tên thành Thu khuyết tật
Bakery, cũng tạo được một số người có công việc ổn định. Tôi nhận thấy rằng
dù chỉ khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng không hẳn là mất tất cả, và tự nhủ
hãy biến nổi đau của bệnh tật thành khát vọng sống. Với khát vọng hoài bão, là
một người khuyết tật mình phải khẳng định bằng chính năng lực thật sự của bản
thân. Tôi tiếp tục tự trang bị cho mình những kiến thức từ những khóa học về
kinh doanh dành cho lãnh đạo, nâng cao năng lực cho chính mình. Kết quả tôi
cũng tốt nghiệp được nghành Quản trị kinh doanh. Khi ấy lòng tôi tràn ngập niềm
vui và tự tin bước tiếp hành trình trên con đường đời.
Qua rồi, những chuỗi
ngày gian truân, tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác, nhất
là khi được tham gia vào Nhóm Tông Đồ khuyết tật. Quả
thật đây là niềm vui lớn lao trong cuộc đời tôi vì tôi đã được biết đến Chúa và
làm con Chúa đồng thời có những anh chị em cùng cảnh ngộ như tôi sống chan hòa
và đầy yêu thương. Bởi, tôi biết sẽ làm ấm lòng người đón nhận những lúc ngặt
nghèo giống như tôi-cô bé Thu của những năm về trước…
Gia đình Tồng Đồ khuyết tật yêu thương của tôi!
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con một tâm hồn
đơn sơ, biết chia sẻ, biết hy sinh của con qua chính sự khuyết tật của mình.
Maria
Nguyễn Thị Thanh Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét