GIA ĐÌNH NƠI ĐỂ
YÊU THƯƠNG
Lời Chúa: St
15,1-6;21,1-3; Dt 11,8.11-12.17-19; Lc 2,22-40
Ngày 16-12-2014, trên trang mạng xã hội Zing.vn có đăng một bài văn độc mới
và lạ của em học sinh Nguyễn Thị Cúc được cô giáo Nguyễn Thị Châu – giáo viên
dạy Văn trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) cho điểm 10. Phần mở đầu của Bài văn,
em Cúc viết: “Mới chiều hôm qua đây thôi, trên đường đi học về tôi gặp một cảnh
tượng thật đau lòng, một người đàn ông đánh tới tấp vào mặt, lưng một người phụ
nữ. Vừa cố chống chọi với cơn khát bạo hành của chồng, chị vừa khóc lóc van
xin: "Sao anh lại đánh em thế này... đừng đánh em nữa anh ơi!". Tôi
hơi sững người, nhưng cũng không lấy làm lạ vì đã từng chứng kiến cảnh như thế
này nhiều lần. Ấy thế mà lâu nay tôi lại nghe người ta nói rằng: "Gia đình
là nơi để yêu thương". Đã trôi qua một khoảng thời gian khá dài tôi đã
sống, đã làm, đã ra đi... và tìm tòi những minh chứng cho điều mình nghe thấy.
Thế rồi, lại đắng lòng biết mấy, khi tôi chợt nhận ra thời gian càng quay nhanh
thì tình người cũng dần tan biến. Cuộc sống vô tâm làm nguội lạnh tình cảm
trong trái tim mỗi người. Xã hội đổi thay và lòng người cũng dần thay đổi, mọi
tính toán thiệt hơn trong cuộc sống làm mất đi những vẻ đẹp tự nhiên vốn có,
hạnh phúc thì ít nhưng đắng cay lại nhiều, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh vì cuộc
sống gia đình không hòa thuận, thậm chí tan vỡ, và những hiểm nguy luôn rình
rập... Tôi cười gượng: “Đấy! Một thảm họa hay nghịch cảnh trần gian?” Quá xót xa,
tôi căm ghét và lên án những hành động tàn ác này - bạo lực gia đình”.
Mới lớp 12 thôi, mà em đã thấy, cảm
nghiệm và thấu hiểu nỗi đau mọi người trong gia đình ngày nay tàn nhẫn, ác tâm
và tội lỗi như thế! Tại sao lại cảnh bạo cảnh gia đình xảy ra nhiều như thế! Là
người tại sao ác tâm như thế, “nhân chi sơ tính bản thiện đâu rồi? Tháng 10 vừa
qua, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình nhóm họp tại Vatican nói
rằng nguyên nhân sâu xa đó là việc con người ngày nay không kính trọng sự sống
của nhau và không còn trân trọng tình yêu và hạnh phúc gia đình. Vì kinh tế thị
trường, xã hội hưởng thụ mà người ta vô cảm với nhau và thiếu tinh thần, tức là
thiếu tình và nghĩa vợ chồng, con cái, cha mẹ.
Lời Chúa hôm nay cho một hướng sống và một cung cách sống noi gương gia đình
Thánh gia, một gia đình thật sự là thánh và thiện, đồng thời luôn có hạnh phúc
và tình yêu tràn ngập. Chúng ta nói gia đình Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu
là thánh gia, tức gia đình thánh. Thánh trong Thánh kinh không có ý nghĩa về
luân lý. Thường ta hiểu thánh trong thánh thiện theo nghĩa luân lý, tức là
không vấy nhơ tội lỗi, không tuân giữ các giới răn. Thánh ở trong thánh kinh
nghĩa là chỉ mình Chúa là Đấng thánh và chúng ta được thánh hiến, nghĩa là ta được
tách riêng ra để dành cho Thiên Chúa. Theo ý nghĩa này, mỗi thành viên trong
gia đình Nagiarét đều được thánh hiến trong tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế mỗi
thành viên đó đón nhận thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Cho nên
tiếng xin vâng đâu phải của một mình Đức Mẹ thưa với thiên sứ, mà tiếng xin
vâng còn là tiếng của thánh Giuse thưa với thiên thần hiện đến trong giấc mơ,
tiếng xin vâng của Chúa Giêsu: này con xin đến để thực thi ý Người. Vì vậy, mỗi
người người trong thành viên đó ý thức mình có vai trò trong công trình cứu độ
của Chúa là làm cho tình yêu thương của Chúa và của nhau thật sự hiện diện nơi
gia đình và thánh là ở chỗ đó.
Trước hết chiêm ngắm
thánh Giuse với tư cách là chồng, là cha, Thánh Giuse đón nhận Maria có thai
bởi phép Đức Chúa Thánh Thần về làm vợ (hờ -bạn thanh sạch). Đưa vợ vế quê cha
đất tổ để kê khai hộ khẩu trong lúc vợ sắp sinh khổ. Khổ cực biết là ngần nào!
Rồi đưa vợ và con trốn sang Ai-cập. Cuối cùng nuôi Hài Nhi lớn khôn trong hy
sinh âm thầm lặng lẽ đến cuối đời, chết lúc nào không ai biết. Qủa là người
chồng tuyệt vời hy sinh tất cả vì vợ hờ và Con Thiên Chúa. Thứ đến Đức Mẹ, với
tư cách là vợ Maria, là Mẹ, Mẹ luôn chu toàn trách nhiệm với chồng và gia đình.
Người ta nói nhìn quả biết cây. Hãy nhìn Chúa Giêsu biết ngay Maria hành xử vai
trò là vợ là mẹ tuyệt vời như thế nào! Ông bà ta nói: “Con hư tại mẹ”. Chúa
Giêsu có hư không? Không, Ngài là thánh, người đức độ và là hiền nhân có một
chứ không có hai trên trần gian này. Cuối cùng là con, Chúa Giêsu là Chúa toàn
năng, phép tắc vô cùng nhưng hằng vâng phục cha mẹ là Thánh Giuse và Đức Mẹ mọi
ngày. Qủa Ngài là con ngoan trò giỏi trước mặt thiên hạ. Qủa vậy, Tin Mừng hôm
nay nói rõ rằng: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và
hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.
Hôm nay gia đình người
công giáo không chỉ ở trong tương quan tình yêu giữa vợ chồng hay cha mẹ,
con... mà có tương quan tình yêu với một Đấng bao trùm cuộc sống gia đình lôi
kéo tất cả gia đình nên thánh và thiện. Chính vì vậy một nhà văn nói rằng: “Yêu
nhau không phải là chỉ nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Hôm nay chúng ta
đến đây gặp nhau ở một lý tưởng gia đình Nagiarét, không chỉ là nhìn Chúa
Giêsu, thánh cả Giuse, Mẹ Maria mà còn cùng nhìn về một hướng, hướng đó là
Thiên Chúa, là thánh ý của Người. Đồng thời mời gọi các gia đình công giáo sống
niềm tin và tình yêu đó.
Vậy là cha mẹ.
Chúng ta hãy sống đúng với trách nhiệm và bổn phận của mình: thương yêu con
cái, chăm sóc, hướng dẫn và giáo dục chúng nên thân nên người, nên con cái
Thiên Chúa. Nếu cha mẹ chỉ biết sinh đẻ mà không biết bảo vệ cho chúng
ngày càng thêm khỏe mạnh, khơn ngoan và đạo đức thì thật là thiếu trách nhiệm.Thật là
hèn nhát và nhục nhã cho cha mẹ chỉ biết dựa vào mồ hôi nước mắt của con cái
đang khi mình còn sức khỏe, đang khi chúng còn nhỏ bé, đang khi chúng chưa được
học hành, chưa có nghề nghiệp, chưa thể sống tự lập được. Thật là xấu xa khi
cha mẹ chỉ biết nghĩ đến cái bụng, chỉ lo cho cái miệng, và tìm cách thỏa mãn
thân xác mình mà hành hạ, bạo hành mọi người trong gia đình. Nhưng hôn nhân gia đình đặc trên nền tảng vững bền là
tình yêu chứ đâu phải bạo lực. Mà “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch
cũng kê cho bằng”. Vì vậy, trong đời sống gia đình chuyện mắc lỗi với nhau, đổ
nát là chuyện thường tình vì con người chứ đâu phải là thánh. Xin nhớ cho rằng
trong chuyện đổ nát ấy mà mình biết tha thứ, biết thông cảm cho nhau thì tình
yêu gia đình ấy bền chặt và thăng tiến. Cho nên, ông bà có câu: “tưởng rằng đá
nát thì thôi, ai ngờ đá nát nung vôi là nồng”. Còn Lời Chúa dạy: “Anh
em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.Hãy chịu
đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc
người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ
cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên
kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).
Thứ đến là con, hãy sống đúng bổn phận làm con. Là con chứ không
phải là bố hay là mẹ. Nếu biết chu toàn việc vâng lời, siêng năng học hành và
làm việc. Biết tích cực giúp đỡ gia đình, làm mọi việc có thể, tùy theo sức của
mình để chia sẻ với cha mẹ, cho cha mẹ bớt cực nhọc bởi cuộc sống gia đình. Hãy
tạo niềm tin để cho cha mẹ yên tâm làm việc, đừng tạo buồn phiền cho các ngài.
Nhất là đừng cố chấp, cứng đầu, cố tình làm trái ý cha mẹ khiến các ngài phải
đau đầu, đau lòng, đau đớn, đau khổ. Lời Chúa dạy “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo
tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn
thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất
này” (Ep 6,1-9).
Ước gì, qua Lời Chúa
và mẫu gương Gia đình Thánh, chúng ta hãy luôn kiến tạo cho gia đình mình một
mái ấm gia đình nơi ấy tình thương người và thương Chúa tràn ngập mọi giây phút
trong cuộc sống. Amen
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét